PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Trung tâm là một hệ thống hỗ trợ khẩn cấp 24/24, giúp các bác sĩ chuyên khoa Nhi TPHCM có thể hỗ trợ đồng nghiệp ngay lập tức khi có các ca bệnh phức tạp, giảm các tình huống giúp chuyển viện xa, giúp cơ hội cứu chữa thành công cho bệnh nhân được nâng cao.
Hệ thống được lắp đặt trong một hội trường rộng, thích hợp cho các tình huống cần đến nhiều chuyên khoa cùng hội chẩn, hỗ trợ.
Hiện có 68 điểm cầu từ 25 tỉnh, thành phố từ Bình Định tới Cà Mau đã đăng ký tham gia đề án (là tuyến dưới) với Bệnh viện Nhi đồng 1. Mục tiêu chính của đề án là nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cả hệ thống y tế nhà nước và tư nhân thông qua các hoạt động: hội chẩn từ xa, (các trường hợp khó, cấp cứu); huấn luyện đào tạo trực chẩn đoán và điều trị, phòng, chống dịch...
Cho đến nay, cả nước chỉ có hai trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa về Nhi khoa là Bệnh viện Nhi Trung ương phụ trách các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 phụ trách từ các tỉnh miền Trung đến Cà Mau.
Cũng trong buổi khai trương Trung tâm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng hội chẩn cho 2 bệnh nhi được coi là ca bệnh khó tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang và Bệnh viện Đa khoa Bình Định.
Ngày 24-9, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin về việc kết nối 1.000 bệnh viện (BV) khám chữa bệnh từ xa (Telehealth). Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau 2 tháng triển khai đồng loạt “Đề án khám, chữa bệnh từ xa” đến nay đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ khắp các tỉnh thành được kết nối với hơn 20 BV tuyến Trung ương và các BV tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM. Qua Telehealth, nhiều cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo như: Mường Nhé, Cô Tô… đã được kết nối với cơ sở y tế tuyến trên. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ tuyến Trung ương trực tiếp hội chẩn thông qua Telehealth, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm mà không phải chuyển lên tuyến trên điều trị. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, BV là đơn vị đầu tiên triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa. Sau 5 tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn và 162 BV tham gia kết nối, qua đó nhiều ca bệnh khó được cứu sống kịp thời. Hiện BV tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ ba và thứ năm) và mỗi buổi có trung bình 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, sau 1 tháng triển khai Telehealth, BV đã tổ chức được 9 buổi khám chữa bệnh từ xa, 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng, 343 BV kết nối và 34 ca bệnh khó ở tuyến dưới đã được khám hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành. QUỐC KHÁNH |