Báo cáo với đoàn khảo sát, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện đã thông qua 5 chương trình hành động phát triển trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình bệnh viện thông minh. Đơn vị đã ban hành kế hoạch số 201/KH-BVNĐ1 ngày 31-12-2020 để triển khai thực hiện chương trình này.
“Bệnh viện Nhi đồng 1 số hóa hầu hết chứng từ như giấy chuyển viện, tờ điều trị, bác sĩ kê toa thuốc, thí điểm bệnh án điện tử, áp dụng quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân… Rất mừng, sau gần 2 năm triển khai dự án, kết quả đạt được rất khích lệ”, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh nói.
Nói về cách xây dựng bệnh viện thông minh, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh chia sẻ, đơn vị hiện có 1.800 nhân viên (112 phòng khoa, phòng), mỗi ngày tiếp nhận khám chữa bệnh cho 5.000 - 8.200 người; số bệnh nhân nội trú đạt 1.500 người, cao điểm gần 2.200 bệnh nhi/ngày… Do đó, bệnh viện tập trung phát triển hạ tầng số y tế, dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc - liên thông đơn thuốc. Đồng thời bệnh viện triển khai các ứng dụng tiện ích cho người bệnh như: thẻ khám bệnh thông minh, thanh toán điện tử; ứng dụng telemedicine và AI trong telemedicine trong khám chữa bệnh; phần mềm kê đơn thuốc; AI và robot trong phẫu thuật...
Qua đó giúp cho công tác khám chữa bệnh ngoại trú có nhiều đột phá qua quy trình khám bệnh tiện lợi, còn gọi là quy trình “một điểm dừng” theo thứ tự: tiếp nhận - khám bệnh - xét nghiệm - kê đơn - lãnh thuốc - thanh toán một lần. Bệnh nhân không phải đóng tiền, di chuyển nhiều lần, giảm thời gian chờ đăng ký, tiếp nhận, khám bệnh. Ở khu vực điều trị nội trú, bệnh viện số hóa hầu hết chứng từ, giấy tờ chuyên môn như biên bản hội chẩn, giấy chuyển tuyến, tờ điều trị; chuyển đổi số hoạt động quản lý, giám sát; thí điểm bệnh án điện tử 4 khoa và dự kiến hai năm tới triển khai toàn viện. Các khoa phòng, đơn vị đều trang bị chữ ký số.
Trong khâu quản lý bệnh nhân, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật, mỗi bệnh nhân mang lắc đeo tay có mã vạch, trước khi vào phòng mổ, trước khi rạch da hay phát thuốc sẽ được tra mã vạch... Phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở, trong bối cảnh quá tải giường bệnh giúp bác sĩ biết khoa nào còn bao nhiêu giường, bao nhiêu máy thở. Ngoài ra, các phần mềm duyệt thuốc online, giám sát sử dụng kháng sinh, quản lý y lệnh, cấp phát thuốc tại khoa dược. Phần mềm giám sát kho thuốc thông minh với kiểm soát vào ra như sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay để xác thực mở cửa kho, giám sát trạng thái cửa đóng hay mở. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng là một trong những bệnh viện đầu tiên của cả nước tự xây dựng được phần mềm đấu thầu thuốc thông minh, số hóa toàn bộ công đoạn của quy trình đấu thầu thuốc…
TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 bày tỏ, ông làm việc tại bệnh viện 34 năm, cảm nhận được giá trị chuyển đổi trong công việc của mình, bác sĩ được giải phóng khỏi nhiều công việc thủ công, giúp cho ông và các BS trong bệnh viện có thời gian tập trung chuyên môn.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, bên cạnh kết quả tích cực đạt được trong xây dựng bệnh viện thông minh, đem lại tiện ích thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh của đơn vị, hiện bệnh viện đang tìm mọi phương cách để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực công nghệ thông tin do mặt bằng chung mức lương tại bệnh viện quá thấp. Song song đó, do phần mềm được bệnh viện xây dựng từ những năm 1994, dù có nhiều nâng cấp, bổ sung nhưng vẫn bị lỗi thời, hệ thống không mang tính tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời.
Nguyên do lượng dữ liệu của bệnh viện rất lớn, việc chuyển đổi và tương thích với dữ liệu sang hệ thống mới cũng gặp nhiều khó khăn. Hệ thống máy tính không mua sắm kịp thời khi có phát sinh, do thiết bị này nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố. Cạnh đó, hệ thống RIS/PACs chưa có hướng dẫn đầu tư rõ ràng. Chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhân viên CNTT chất lượng cao làm trong môi trường bệnh viện. Hiện bệnh viện chỉ có 12 nhân sự để vận hành hơn 700 máy tính, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.
“Bộ Y tế, TPHCM cần đẩy nhanh xây dựng các hướng dẫn về pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư hệ thống RIS/PACs - là thành phần quan trọng để thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Chi phí công nghệ thông tin cần được cơ cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật để bệnh viện có đủ kinh phí đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng triển khai”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng nêu đề xuất.
Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình khẳng định, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một điểm sáng trong số ít cơ sở y tế đi đầu trong triển khai đề án y tế thông minh của thành phố với nhiều cách làm khoa học, sáng tạo, phát huy được thế mạnh nguồn lực tại chỗ, dù chỉ có 12 nhân viên công nghệ thông tin. Chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang gặp, đó cũng là khó khăn chung của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, do đó Trưởng Ban VH-XH đề nghị, Sở Y tế TPHCM cần xây dựng chính sách đặc thù đối với y tế chuyên sâu để trình lên HĐND TPHCM xem xét. Ngoài ra, để việc ứng dụng CNTT hiệu quả cần có sự đầu tư và phát triển đồng bộ, các sở ngành liên quan cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống ngành y tế của thành phố.