Theo đó, chương trình tầm soát được áp dụng cho trẻ trước tuổi dậy thì, bao gồm các bước kiểm tra chiều cao, cân nặng và khảo sát các triệu chứng chậm tăng trưởng để đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp. Trẻ cũng được chụp X- quang xương bàn tay khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, bác sĩ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường.
Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo, bao gồm việc xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác trong cơ thể.
Phụ huynh có thể gọi điện thoại đăng ký qua hotline 0335 116 057 hoặc 0932 714 440 trong khung giờ 8 – 17 giờ tất cả các ngày trong tuần từ ngày 5-6 đến ngày 3-7. Thời gian tầm soát từ 13 – 16 giờ thứ Bảy và 8– 11 giờ Chủ nhật hằng tuần từ 17-6 đến 9-7 tại lầu 3, khu A - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5).
Theo các chuyên gia y tế, thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6 - 10 cm mỗi năm. Bé trai tăng từ 6,5 - 11 cm mỗi năm.
Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm. Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.
Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, trên thế giới ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì mặc cảm, tự ti.
Triển khai từ năm 2017, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 2000 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là gần 200 trẻ. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 400 trẻ đến thăm khám, triển khai trong buổi khám.