Ông Đ.V.L. (ngụ quận 7, TPHCM) phản ánh, ông khám bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi từ năm 1989 đến nay, loại thẻ BHYT diện không đồng chi trả (HT2). Cuối tháng 7-2020, ông L. đến khám tại bệnh viện, được bác sĩ chỉ định siêu âm động mạch cảnh. “Khi đóng tiền, hỏi hóa đơn, biên lai thì nhân viên nói không có, chỉ đóng dấu đỏ vào giấy chỉ định siêu âm với nội dung “đã thu tiền chênh lệch BHYT”. Thắc mắc về “tiền chênh lệch”, nhân viên cho biết chỉ thu tiền theo lệnh”, ông L. kể.
Tương tự, vợ ông L. đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng được bác sĩ chỉ định siêu âm. Khi đến bộ phận đóng tiền, được yêu cầu đóng thêm phần chênh lệch, vợ ông L. yêu cầu giải thích phần đóng thêm này vì những lần siêu âm trước không hề đóng. Nhân viên thu tiền lấy dấu đóng lên giấy chỉ định làm xét nghiệm cho vợ ông L. với nội dung “không đồng chi trả”. “Tôi thấy nhiều người cũng phải đóng tiền chênh lệch, có người 50.000 đồng, có người đến 300.000 đồng. Vấn đề là khoản thu chênh lệch này chưa được giải thích rõ ràng cho bệnh nhân”, ông Đ.V.L nói.
Trong khi đó, ông L.D.S. (ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) cho biết, từ trước đến nay khám bệnh tại Bệnh viện Nguyễn Trãi với thẻ bảo hiểm HT2, bệnh nhân được miễn chi trả 100%, dù có chụp X-quang hoặc siêu âm. Tuy nhiên, từ tháng 8-2020 đến nay, khi đến khám bệnh tại bệnh viện phải đóng tiền chênh lệch để siêu âm, chụp X-quang,… “Ngày 16-3-2021, tôi đi khám, được chỉ định siêu âm ổ bụng, cũng bị yêu cầu đóng chênh lệch 106.000 đồng. Khi thắc mắc, nhân viên thu tiền trả lời là thu chênh lệch của những người về hưu diện không đồng chi trả”, ông S. cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho rằng, việc chỉ định cận lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh. Bệnh viện áp dụng theo hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, cũng như phác đồ điều trị của bệnh viện, không có chuyện “vẽ chỉ định” để thu tiền chênh lệch.
TS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga cũng cho biết, bệnh viện triển khai các dịch vụ kỹ thuật bằng trang thiết bị đầu tư từ nguồn vay kích cầu của TPHCM. Đồng thời, bệnh viện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính từ năm 2018. Do vậy, khi các bác sĩ chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, nhất là các dịch vụ sử dụng trang thiết bị từ nguồn vay kích cầu đều được yêu cầu giải thích với bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện có thông báo về việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật được thực hiện bằng trang thiết bị từ nguồn vay kích cầu tại các khoa khám bệnh, khoa lâm sàng, quầy thu phí. “Bệnh viện quy định bệnh nhân chỉ đóng thêm phần chênh lệch giữa giá dịch vụ kỹ thuật và giá thanh toán BHYT”, TS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga nói.
Về vấn đề hóa đơn, biên lai, TS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga giải thích rằng có thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rất nhiều khoản tiền đóng chênh lệch không hề có hóa đơn mà chỉ được đóng dấu thu tiền lên phiếu chỉ định siêu âm!
Từ những vấn đề nêu trên, đề nghị Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TPHCM cần thanh kiểm tra, nếu có sai phạm cần kịp thời chấn chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Theo phản ánh của bệnh nhân, từ giữa năm 2020 đến nay, bệnh nhân khi đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi được chỉ định làm các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng nhiều hơn so với trước. Nếu bệnh nhân không thắc mắc thì chấp nhận đóng tiền chênh lệch khi được chỉ định chụp, chiếu; còn bệnh nhân nào phản ứng thì không bị thu tiền chênh lệch mà vẫn được chụp, chiếu bình thường. |