Phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid do Trung tâm đột quỵ - Đại học Stanford Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển và được chính thức ra mắt và lắp đặt vào tháng 6-2019, nhằm ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
Phần mềm Rapid cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây. Nghĩa là sẽ có thêm 18 giờ nữa cho các bệnh nhân. Việc triển khai Rapid ở Bệnh viện Gia An 115 (và bệnh viện Nhân Dân 115) đã đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ.
Được biết, hiện phần mềm này đã “phủ sóng” trên khắp thế giới với 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia, mang lại hiệu quả cho 250.000 bệnh nhân đột quỵ. Phần mềm ứng dụng này sẽ giúp xác định rõ thể tích vùng lỏi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và hoại tử trong những giờ tiếp theo, còn gọi là “vùng tranh tối tranh sáng”, giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn.
Theo thời gian, các tế bào não sẽ chết dần, cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có khoảng 1,9 triệu tế bào não tiếp tục bị hoại tử. Ngược lại, nếu được tái thông mạch máu kịp thời, các tế bào não trong “vùng tranh tối tranh sáng” sẽ có thể hồi phục nhanh chóng.
Tuy nhiên, bên cạnh những vùng tổn thương đã xác định rõ sẽ có những vùng có nguy cơ tổn thương, có nguy cơ hoại tử trong những giờ tiếp theo, sẽ khó xác định được bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Phần mềm Rapid được phát triển bởi Đại học Stanford – Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ giải quyết khó khăn này.
“Nếu như trước đây, trong can thiệp nhồi máu não, giờ vàng chỉ trong vòng 6 giờ thì phần mềm Rapid có thể cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Nhờ đó, cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ cao hơn. Ngoài ra, với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm Rapid sẽ giúp đo chính xác thể tích khối máu tụ, từ đó giúp các bác sĩ lượng giá được chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị” - Tiến sĩ, bác sĩ Trương Vĩnh Long thông tin