° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Hiện hệ thống cơ sở y tế ở TPHCM vẫn nhận khám chữa bệnh cho người nước ngoài. Tuy nhiên, vì chưa có nhân sự phiên dịch nên các cá nhân người nước ngoài đến khám chữa bệnh cần dẫn theo phiên dịch viên.
° Công ty có ký hợp đồng lao động đối với người nước ngoài trên 60 tuổi. Vậy công ty có thể không đóng BHYT cho lao động này được không? (Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật, quận 7, TPHCM)
° Luật BHYT quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, thuộc đối tượng tham gia BHYT. Như vậy, trường hợp công ty ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đối với người nước ngoài lớn hơn 60 tuổi, vẫn thuộc đối tượng đóng BHYT.
° Người lao động nước ngoài có quy định đóng BHXH từ ngày 1-1-2018, nhưng sau đó chưa có hướng dẫn cụ thể và hiện tại chỉ đóng BHYT. Vậy sẽ không đóng BHXH cho lao động nước ngoài nữa phải không? (Công ty Digi-Texx, quận 12, TPHCM)
° Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2018.
Hiện Bộ LĐTB-XH đang phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định quy định về thực hiện chính sách BHXH đối với lao động là người nước ngoài để trình Chính phủ. Việc đóng BHXH cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi có nghị định của Chính phủ ban hành hướng dẫn.
° Người lao động đã đăng ký khám chữa bệnh ở một bệnh viện tư nhân tại TPHCM, nhưng nay không hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế của cơ sở này nên đã khám bệnh ở bệnh viện khác. Vậy người lao động có được hưởng chính sách BHYT và tỷ lệ chi trả ra sao? (Công ty TNHH Ingreetech, quận Bình Tân, TPHCM)
° Người lao động được hưởng chính sách như sau: 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT nhân (x) với mức quyền lợi được hưởng (80%, 95%, 100%, tùy theo đối tượng tham gia BHYT) tại các bệnh viện quận, huyện; 60% chi phí khám chữa bệnh BHYT (x) mức quyền lợi được hưởng tại các bệnh viện tuyến tỉnh và 40% chi phí khám chữa bệnh BHYT (x) mức quyền lợi được hưởng tại các bệnh viện tuyến trung ương khi điều trị nội trú.
Riêng trường hợp điều trị bệnh ngoại trú tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trung ương không trong trường hợp cấp cứu, không có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đúng quy định, sẽ không được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn |