Để khống chế, dập tắt ổ dịch, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu thực hiện công bố dịch, xác định vùng dịch để triển khai phòng chống dịch phù hợp; chủ động bố trí kinh phí của địa phương để tổ chức phòng chống dịch bệnh, nhất là kinh phí mua vaccine để tiêm phòng.
Tại Kon Tum, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên đàn bò tại các huyện Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia Hdrai và TP Kon Tum. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu rà soát, kiểm tra các địa bàn có nguy cơ, hoặc đang phát sinh dịch bệnh để triển khai phòng chống dập dịch; tăng cường kiểm tra, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật không đúng quy định làm lây lan dịch bệnh…
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại huyện Buôn Đôn và Cư Kuin. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt là mùa mưa, tỷ lệ chết cao, nếu lây lan trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân và ngành chăn nuôi.
Ngành chức năng đang hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu bò bệnh; hàng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.