Bệnh nặng mới nhập viện
Đang phải thở máy, mở khí quản tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc người lớn (BV Bệnh nhiệt đới TPHCM), ông Nguyễn Văn Ch. (62 tuổi ngụ huyện Củ Chi) là một trong những bệnh nhân mắc bệnh uốn ván trong tình trạng nặng tại đây.
Bà Trần Thị H. (vợ ông Ch.) cho hay, trước đó ông Ch. Đạp trúng đinh trong một lần làm vườn. Sau đó vết thương sưng mủ, nhưng nghĩ không có gì nghiêm trọng nên ông Ch. chỉ sát trùng qua loa. 2 tuần sau, ông Ch. đột ngột bị cứng hàm, không ăn, không nói được và đưa đến BV huyện Củ Chi cấp cứu. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván, ông Ch. được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới. Tại đây, ông rơi vào hôn mê.
Ngoài ông Ch., BV Bệnh nhiệt đới TPHCM hiện đang cấp cứu, điều trị cho 25 bệnh nhân mắc uốn ván và tất cả đều trong tình trạng phải thở máy. Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc người lớn, cho biết đa phần các bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới đều trong tình trạng nặng và là người lớn tuổi.
Theo vị bác sĩ này, các triệu chứng khởi phát của bệnh uốn ván như cứng hàm, khó ăn, khó nuốt thường dễ xác định nhầm thành các bệnh khác như răng khôn mọc lệch, bệnh viêm khớp hàm. Nếu không được chẩn đoán và khống chế kịp thời, vi trùng uốn ván sẽ khiến bệnh nhân có những cơn gồng giật, khó thở, diễn tiến nặng là ngưng thở, ngưng tim.
“Đối với những người lớn tuổi, những người có sẵn bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp… thường có sức đề kháng yếu. Khi nhiễm uốn ván thì độc lực của vi trùng uốn ván càng tấn công dữ dội, do đó dễ trở nặng”, bác sĩ Dương Bích Thủy phân tích.
Chưa quan tâm việc chích ngừa
Theo đại diện BV Bệnh nhiệt đới TP, một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân trở nặng khi lên đến BV tuyến trên là do việc chuyển viện không an toàn. Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân có thể lên cơn co thắt dữ dội, ngưng tim, ngưng thở, có thể tử vong, nên rất cần thiết phải có một nhân viên y tế đi kèm lúc chuyển viện. Tuy nhiên, nhiều BV tuyến dưới đã không quan tâm đến vấn đề này.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm BV Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận khoảng 250 - 300 bệnh nhân mắc bệnh uốn ván. Ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2018, số bệnh nhân mắc uốn ván gia tăng đột biến với 100 bệnh nhân nhập viện, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2017.
Như cách đây một tháng, bệnh nhân Phạm Văn N. (59 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng ngưng thở nhưng không hề có nhân viên y tế đi theo.
Song nguyên nhân lớn nhất vẫn xuất phát từ việc nhiều người dân không chủ động đến cơ sở y tế chích ngừa khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc đắp các loại thuốc lá theo kinh nghiệm dân gian. Các bác sĩ cho biết, việc xử lý vết thương qua loa hoặc đắp các loại thuốc lá sẽ khiến cho vết thương càng lở loét hơn và vi trùng uốn ván có cơ hội xâm nhập. Cách đây không lâu, BV Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận một trường hợp nguy kịch do tự đắp lá cây lên vết thương. Sau đó vết thương đã lở loét, tụ mủ và bị vi trùng uốn ván tấn công.
Các bác sĩ khuyến cáo chích ngừa vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Hiện mỗi mũi vaccine ngừa uốn ván có giá 200.000 - 300.000 đồng. Trong khi mỗi ca điều trị bệnh uốn ván thường kéo dài, với chi phí khoảng 40 - 100 triệu đồng/ca. Mặt khác, những năm gần đây, vi trùng uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể người không cần qua các vết thương hở. Có đến 15% bệnh nhân mắc uốn ván tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM không có vết thương hở. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chích ngừa chủ động ngay cả khi không có vết thương hở.
“Người dân nên cân nhắc đến lợi ích của việc chích ngừa chủ động để phòng ngừa mắc bệnh uốn ván. Mỗi người cần chích ngừa và chích nhắc đủ 5 mũi mới đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất”, bác sĩ Dương Bích Thủy cho hay.