Mắc uốn ván mà ngỡ bị tai biến
Đang khỏe mạnh, ông Nguyễn Thành Hiến (86 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bỗng dưng bị cứng hàm, không nói, không ăn uống được, chân tay co quắp lại. Nghi ngờ bị tai biến mạch máu não, gia đình đưa ông vào Bệnh viện mạch An Giang. Các bác sĩ không xác định được mắc bệnh gì nên chuyển ông sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Tại đây, ông Hiến được chẩn đoán là nhiễm uốn ván và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong sự lo lắng của cả gia đình - không hiểu vì sao mà ông lại mắc bệnh này. Lúc này ông Hiến mới nhớ ra cách đây không lâu, ông bị xước tay do cọ vào tường xi măng.
Còn ông Nguyễn Văn Bàn (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) vẫn không quên chuyện mình đã “chết đi sống lại” vì mắc uốn ván. Sau khi bị chiếc búa đập trúng tay gây chảy máu, nghĩ đơn giản, ông Bàn mua thuốc kháng viêm về uống. Không ngờ 7 ngày sau, ông bắt đầu có triệu chứng cứng hàm, lưỡi bị cong lên, không nói chuyện, không ăn uống được. Tưởng bị tai biến, ông được gia đình đưa đi châm cứu và điều trị bằng thuốc nam tại một thầy lang gần nhà. Tuy nhiên, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Quá lo sợ, gia đình quyết định đưa ông vào TPHCM để điều trị.
“Vào đây nghe các bác sĩ nói tôi mới biết là mình bị mắc uốn ván, chứ từ trước đến nay không thấy ai bị bệnh và cũng không nghe nói đến bệnh này”, ông Bàn cho hay.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện này tiếp nhận 160 ca bệnh uốn ván ở người lớn và 2 ca bệnh uốn ván sơ sinh. Trung bình, mỗi ngày có từ 10 - 15 bệnh nhân nhập viện do uốn ván. Hiện Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang điều trị cho 13 bệnh nhân uốn ván ở thể nặng, còn Khoa Nhiễm D thì điều trị gần 40 ca bệnh đang trong giai đoạn phục hồi.
Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết người mắc bệnh uốn ván khởi đầu thường bị cứng hàm, không há mồm được, ăn uống khó khăn. Do triệu chứng cứng hàm nên người dân thường hay nghĩ đến bị sâu răng, sái trật khớp hàm, có khi nghĩ là tai biến mạch máu não, mà không nghĩ đến uốn ván. Do tự chẩn đoán sai nên người dân đa phần tìm đến sai địa chỉ, như các chuyên khoa tai mũi họng, nội thần kinh, vì vậy thường không phát hiện sớm về bệnh.
“Một số bệnh nhân khi đến với chúng tôi đã ở trong tình trạng bệnh nặng, hàm cứng không nói được, gồng giật, dọa ngưng thở”, bác sĩ Dương Bích Thủy cho biết.
Khi xác định bệnh nhân mắc uốn ván, cần ngay lập tức mở đường thở, đặt ống thở để hỗ trợ người bệnh, sau đó sử dụng các thuốc chống co giật để bệnh nhân nằm im, rồi sử dụng thuốc diệt vi trùng uốn ván.
Cần chủ động phòng ngừa
Nhận định về mức độ nguy hiểm của bệnh uốn ván, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, cho biết uốn ván có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi mà lại có sẵn bệnh nền. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim, khi vi trùng uốn ván xâm nhập, gây nên rối loạn thần kinh giật thì nhịp tim cũng tăng lên, bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim và tử vong.
Bệnh nhân mắc uốn ván có thể phải điều trị trong thời gian dài, có khi 1 - 2 tháng, gây tốn kém chi phí. Ngoài ra, những tổn thất về sức khỏe, tinh thần “hậu uốn ván” khiến nhiều người bệnh rơi vào khó khăn, chưa kể năng suất lao động sau này sẽ bị ảnh hưởng lớn do tình trạng cứng cơ, co giật gây nên. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Hiện vaccine phòng ngừa uốn ván cho trẻ nhỏ đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vì thế tỷ lệ trẻ nhỏ mắc uốn ván đã giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn những người trong độ tuổi lao động hoặc người lớn tuổi do không được chích ngừa đầy đủ lúc nhỏ, hoặc không chích nhắc lại đủ số mũi, thì dễ mắc uốn ván hơn. Tại Khoa Nhiễm D, 100% bệnh nhân nhập viện điều trị uốn ván đều chưa được chích ngừa uốn ván trước đó. Thậm chí, một số người dân dù chưa từng chích ngừa uốn ván nhưng khi bị vết thương ở tay, chân vẫn chủ quan không chích ngừa, khiến nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng cao.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn trong số ca mắc bệnh uốn ván, do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhiều yếu tố nguy cơ như dễ bị các vết thương hở, bị vật nhọn đâm vào người, trong khi trước đó chưa được chích ngừa phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần chích ngừa chủ động trước, không chỉ đối với bệnh uốn ván mà cả các loại bệnh truyền nhiễm khác. Khi bị thương bởi vật nhọn, va quẹt gây nên vết thương hở, người dân nên đi chích ngừa uốn ván để ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh.