Bệnh hô hấp vào mùa
Đã hơn 1 tuần qua, chị Giang (ngụ tỉnh Bình Phước) phải chăm con bị viêm phổi nặng tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Cháu bé 6 tháng tuổi lên cơn tím tái sau 3 ngày ho và sốt, kịp thời cấp cứu ngay trong đêm. Sau nhiều ngày điều trị, trẻ được cai máy thở nhưng biến chứng tiêu chảy nặng, phải truyền dinh dưỡng qua đường mũi.
"Không ngờ những triệu chứng quen thuộc về hô hấp lại khiến con rơi vào nguy hiểm", chị Giang tâm sự. Tương tự, chị Trần Yến Phúc (ngụ tại tỉnh Long An) cũng chăm sóc con trai 5 tháng tuổi đang phải thở oxy. "Cách đây ít ngày, bé lên cơn ho nhiều, mệt lả, SpO2 giảm nên gia đình lập tức đưa lên TPHCM cấp cứu. Kết quả chẩn đoán, bé bị viêm phổi nặng", chị Phúc rầu rĩ.
Theo BS-CK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện có khoảng 200 bệnh nhi đang điều trị tại khoa. "Hai tuần qua, lượng bệnh nhi nội trú tăng khoảng 25% so với tháng trước, số lượt khám ngoại trú vì bệnh hô hấp cũng tăng dần. Đây là tình trạng đã được dự báo. Trẻ mắc bệnh hô hấp thường tăng từ khoảng tháng 9 trở đi, cao điểm khoảng tháng 11 hàng năm. Năm nay, bệnh hô hấp tăng muộn hơn hai tuần so với những năm trước", BS-CK2 Nguyễn Hoàng Phong nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 4.693 bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản, 8.176 ca viêm phổi, tương đương với những năm gần đây. Đến hẹn lại lên, số lượng trẻ nhập viện vì bệnh lý hô hấp thường tăng cao từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các virrus như rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, virus adeno, cúm mùa…
Theo Sở Y tế, trên địa bàn toàn thành phố, trung bình mỗi tuần có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính. Bệnh diễn tiến theo mùa, cao nhất trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca/tuần, 60% trong đó là trẻ em.
Số ca mắc sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần qua, số ca mắc các bệnh lý như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đều tăng so với trung bình 4 tuần trước đó. Cụ thể, TPHCM ghi nhận 437 ca bệnh tay chân miệng (tăng 23,4%), 141 ca bệnh sởi (tăng 60,2%) và 411 ca bệnh sốt xuất huyết (tăng 19,3%).
Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có 12.733 ca tay chân miệng, 967 ca sởi, 8.198 ca sốt xuất huyết. Thời điểm này, chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi vẫn được duy trì thực hiện tại 21 quận huyện và thành phố Thủ Đức, nhằm bao phủ miễn dịch bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh sởi.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, trong 9 tháng đầu năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận 1.557 bệnh nhân đến khám và nhập viện với gần 230 ca nặng. Số ca sốt xuất huyết trong tháng 9 cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Người bệnh không chỉ sống tại TPHCM mà còn đến từ nhiều tỉnh thành lân cận. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể diễn tiến nhanh, gây biến chứng nặng và tử vong.
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, mặc dù có vaccine, người dân vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt…
Đồng thời, trong thời điểm giao mùa và đầu năm học, phụ huynh cần phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của bệnh hô hấp ở trẻ em bằng cách: bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của ngành y tế…