
Tay chân miệng, sốt xuất huyết vào cao điểm
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, số lượng bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết (SXH) trong hai tuần gần đây đã tăng gấp đôi so với đầu tháng 5. Đáng lo ngại, không ít trẻ nhập viện khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng, có biến chứng sốc và xuất huyết nguy hiểm. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc sốc SXH nguy kịch có cơ địa thừa cân hoặc mắc bệnh nền...
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 7.690 ca mắc SXH, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2024 (3.287 ca). Trong đó, có 112 ca bệnh nặng, chiếm 1,5% tổng số ca mắc... Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, mùa cao điểm của bệnh SXH bắt đầu tăng từ tháng 6 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10. Nguy cơ SXH xuất hiện rải rác khắp nơi, bất kỳ vật chứa nước nào, dù trong khuôn viên gia đình hay các cơ sở công cộng, chỉ cần một vật đọng nước khoảng 1 tuần cũng sẽ thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh, từ đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó người dân phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa như dọn dẹp và xử lý các vật chứa nước ngay khi phát hiện có nước đọng.
Tương tự, số ca mắc tay chân miệng (TCM) trên địa bàn cũng có xu hướng tăng nhanh. Ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố có 6.711 ca mắc TCM, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2024 (4.510 ca). Số ca bệnh nội trú là 967 ca, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 (842 ca). Trong đó, số ca TCM biến động, có xu hướng tăng từ cuối tháng 2 và tăng cao trong những tuần cuối tháng 5. Riêng trong tuần qua, TPHCM ghi nhận 916 ca mắc TCM, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước (654 ca), trong đó số ca nội trú tăng 26%...
Theo BS-CK1 Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh TCM có thể gặp quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Độ tuổi dễ mắc TCM là dưới 5 tuổi và trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu tiếp xúc với nguồn lây.
Đề phòng biến thể mới của Covid-19
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, TPHCM ghi nhận có dấu hiệu gia tăng số ca Covid-19 trên địa bàn từ trung tuần tháng 4 đến nay. Trung bình mỗi tuần có 11 ca Covid-19 được báo cáo, tăng mạnh so với 15 tuần đầu năm. Riêng tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (10 ca/tuần). Tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 79 ca mắc Covid-19, trong đó có 43 ca điều trị nội trú và 36 ca điều trị ngoại trú, không có ca bệnh cần phải hỗ trợ hô hấp.
Trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải mã trình tự gene của một số bệnh nhân mắc Covid-19 được phát hiện từ tuần qua. Kết quả ghi nhận biến thể NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự. Theo các chuyên gia y tế, biến thể NB.1.8.1 được công bố lần đầu tiên vào đầu năm 2025, đến nay đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới...
Để đề phòng dịch bùng phát, Sở Y tế TPHCM đã lên phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc Covid-19; phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế từ dự phòng đến điều trị luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Không tự ý mua thuốc điều trị Covid-19
Trước thông tin số ca mắc Covid-19 tăng nhanh khiến nhiều người có tâm lý lo lắng, tự mua kit test, thuốc điều trị, ngày 24-5, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, nếu test nhanh mắc bệnh mà không có triệu chứng gì hoặc chỉ sốt nhẹ, ho ít... thì không cần uống thuốc hay điều trị. Việc người bệnh cần thực hiện là ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và hạn chế ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay… để phòng ngừa bệnh lây lan.