Chuyện bệnh thành tích trong giáo dục tưởng đã trôi vào quá khứ, vì ngay năm học 2007-2008 ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát động cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục". Cuộc vận động "hai không" gồm bốn nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi nhầm lớp.
Vậy mà, tôi rất lấy làm ngỡ ngàng khi đọc bài “Hãy trả em về đúng lớp”, (Báo SGGP đăng ngày 16-12-2020), nói về trường hợp những em học sinh của các trường ở TPHCM đang học lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết còn rất kém, thậm chí có em còn thua học sinh đang học lớp 1.
Theo ý kiến tôi, sở dĩ tồn tại hiện tượng để học sinh ngồi nhầm lớp, trước hết phải nói đến trách nhiệm lớn thuộc về giáo viên, nhất là người đang dạy ở bậc tiểu học, bậc học được xem là nền tảng để giúp học sinh trang bị và nắm vững kiến thức, kỹ năng để học lên bậc cao hơn. Tiếp đó, trách nhiệm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường trong việc để học sinh ngồi nhầm lớp, vì ban giám hiệu không có kế hoạch kiểm tra thường xuyên trình độ học sinh, không theo dõi kiểm tra kế hoạch phụ đạo học sinh yếu của giáo viên, công tác tổ chức coi và chấm kiểm tra định kỳ không nghiêm túc.
Không để học sinh ngồi nhầm lớp, thì trước hết giáo viên cần phải được tu dưỡng đạo đức thường xuyên, bản thân giáo viên phải tự học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề, trao đổi kinh nghiệm qua dự giờ đồng nghiệp. Có làm được như vậy mới hạn chế sai lầm rủi ro trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh, và hy vọng ngành giáo dục trị dứt "căn bệnh" này.