Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc TCM.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 14 trẻ mắc TCM, trong đó có 2 ca nặng. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%.
Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.
Dấu hiệu rõ ràng của bệnh TCM có thể nhận biết được là nổi ban và hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh TCM nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng.
“Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ buồn nôn, nôn ói là dấu hiệu bất thường báo hiệu chuyển nặng; hoặc thấy trẻ yếu tay, chân, cần đưa đến bệnh viện ngay. Nếu trễ thì virus sẽ xâm nhập vào não gây viêm não sẽ rất khó điều trị, gây biến chứng”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết.
Theo Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững.
Do chưa có vaccine phòng ngừa nên phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.