Ông Minh cho biết: Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ở các tuyến hoạt động chặt chẽ từ tuyến tỉnh đến xã, ghi nhận thông tin ca bệnh kịp thời và phản hồi điều tra, giám sát để có hướng xử lý đúng theo quy định. Đáng chú ý, công tác lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tay - chân - miệng 2b trở lên nhập viện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, ghi nhận 100% đều nhiễm chủng EV71 hiện đang lưu hành rộng rãi tại các tỉnh khu vực phía Nam.
Hiện số mắc tay - chân - miệng có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng trong trường học; hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch… đặc biệt là vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục, không để dịch lan rộng.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, phải đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu và điều trị tay - chân - miệng; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cố gắng không để xảy ra tử vong do dịch bệnh tay - chân - miệng.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo, người dân cần chủ động rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng...
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận trên 17.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng bốn lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TPHCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang... với số mắc ghi nhận trên 1.000 trường hợp.