Phát hiện bệnh khi đã muộn
Mới 32 tuổi, nhưng anh H.M.N. (ngụ quận 11, TPHCM) đã có gần 2 năm phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM. Theo anh N., anh phát hiện bệnh khi tay chân bỗng sưng phù, thỉnh thoảng nôn ói, khó thở, khi đi khám được biết đã bị suy thận giai đoạn cuối. “Bác sĩ chỉ định cho tôi lọc máu định kỳ mỗi tuần 3 lần. Từ khi phát bệnh, tôi phải nghỉ việc vì sức khỏe yếu, kinh tế trong gia đình vì thế cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, anh H.M.N chia sẻ.
Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy từ đầu năm 2024 đến nay tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ. Trong số đó, có khoảng 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 15% tổng số người chạy thận tại đây. Còn Khoa Nội thận của BV Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nội trú và khám từ 300-400 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. TS-BS Trần Văn Vũ, Phó trưởng Khoa Nội thận, BV Chợ Rẫy, cho biết, ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ đến BV khám bệnh thận, chiếm khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân, cá biệt có những bệnh nhân mới chỉ 16 tuổi. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động và cần có những nghiên cứu chính xác nhằm tìm ra nguyên nhân để có cảnh báo cần thiết.
Tương tự, BV Thống Nhất TPHCM cũng ngày càng tiếp nhận nhiều hơn những bệnh nhân trẻ đến khám và điều trị thận, lọc máu. PGS-TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu, BV Thống Nhất, cho biết, dù là một BV chuyên về lão khoa nhưng thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đến BV Thống Nhất khám và được phát hiện suy thận giai đoạn cuối đang gia tăng. Đáng chú ý, nhiều người lần đầu tiên đến khám bệnh đã phải chạy thận bởi lúc này bệnh đã ở giai đoạn cuối. Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn không chỉ xảy ra ở riêng 2 BV tuyến cuối của TPHCM mà cũng trở nên phổ biến ở nhiều BV khác. PGS Nguyễn Bách cho biết, tỷ lệ này ở một số BV khác cao hơn, có khi lên đến 40%-50%.
Lý giải về nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh suy thận, TS-BS Trần Văn Vũ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Những bệnh này cũng có xu hướng trẻ hóa và dần chuyển sang suy thận. Một số người mắc các bệnh lý đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu và các bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…) cũng có thể diễn tiến sang suy thận. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya... có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận. Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… của người trẻ là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận. Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận gia tăng.
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo. Cùng với gia tăng người mắc bệnh thận thì số lượng người trẻ suy thận đang có xu hướng gia tăng.
Cần thay đổi lối sống, tầm soát định kỳ
Theo các bác sĩ, gánh nặng bệnh suy thận mạn gây ra là rất lớn. Khi đã bước vào suy thận giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động. Bệnh chỉ có thể khắc phục được thông qua ghép thận, nhưng trong bối cảnh nguồn tạng hiến khan hiếm và chi phí ghép tạng đắt đỏ như hiện nay thì giải pháp này vẫn chưa phổ biến. Hầu hết người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn phải phụ thuộc vào lọc máu định kỳ. Chính vì thế, việc thay đổi lối sống cùng với tầm soát bệnh thận định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa suy thận mạn.
Nhìn sang các quốc gia có nền y tế tiên tiến như Nhật Bản, PGS Nguyễn Bách, BV Thống Nhất, cho hay, Nhật Bản đã thanh toán được bệnh lý thận ở người trẻ từ năm 1990 nhờ có chương trình tầm soát quốc gia. Ngành y tế Nhật Bản đã đến tận các trường học để tầm soát bệnh lý thận, xét nghiệm nước tiểu, đánh giá tình trạng thận cho mỗi học sinh nhằm tìm hướng điều trị sớm, tránh dẫn đến suy thận.
Hiện nay y học đã tiến bộ, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận, do đó, nếu như được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn. Bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận. Do đó, bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình bằng cách thường xuyên quan sát nước tiểu. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác... thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận.