Thời tiết nắng nóng ở phía Bắc, mưa nhiều ở phía Nam là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển, lây lan và gây dịch. Các chuyên gia y tế cho rằng, đây là thời điểm bệnh SXH diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng phát thành dịch. Trước thực trạng đó, sáng 20-7, Bộ Y tế phối hợp với Viện Pasteur TPHCM tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết các tỉnh trọng điểm”.
Số ca SXH không ngừng tăng
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.492 ca mắc SXH, 15 trường hợp tử vong (trong đó có 49.209 trường hợp nhập viện). So với cùng kỳ năm 2016 tăng 14%, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%; tăng 1 trường hợp tử vong so với năm 2016.
Điển hình tại khu vực phía Nam đã có 31.397 ca mắc SXH, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. TPHCM là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trong khu vực với bình quân 500 ca/tuần, nâng tổng số ca nhập viện từ đầu năm đến nay là gần 10.000 ca, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, BV đã tiếp nhận 4.328 ca SXH. Trong 250 ca nặng, có 101 ca sốc thoát huyết tương, 12 ca nặng, 34 ca suy đa tạng, 1 ca viêm cơ tim và 3 ca SXH thể não và đã có 4 ca tử vong. Từ tháng 6, lượng bệnh nhân đến khám SXH tăng mạnh, trung bình từ 100 - 150 trường hợp/tuần. Số ca nhập viện điều trị nội trú cũng không ngừng tăng. Đặc biệt, trong tuần đầu tháng 7, đã có đến 250 bệnh nhân, tăng 100 ca so với các tuần trước đó.
Còn tại BV Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần có khoảng 60 - 70 bệnh nhi nhập viện do SXH, tăng 10% - 15% so với những tháng trước. Tại BV Nhi đồng 2, số ca SXH điều trị ngoại trú từ đầu năm đến nay là 3.696 ca, riêng tháng 7 có 506 ca. 1.623 ca điều trị nội trú. BV Nhi đồng TP tuy mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã tiếp nhận 1.035 ca SXH.
Lý giải về nguyên nhân gia tăng bệnh SXH trong thời gian qua, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, do nền nhiệt độ của khu vực miền Bắc có sự thay đổi, chênh lệch từ 1-2°C so với những năm trước, trong khi đó miền Nam mùa mưa đến sớm và kéo dài gây ra những điều kiện thuận lợi để muỗi SXH sinh sôi và phát triển. Mặt khác, tập quán sinh hoạt lưu trữ nước mưa của người dân, ô nhiễm môi trường… cũng là những nguyên nhân làm tăng số lượng người mắc SXH.
SXH sẽ còn tăng và kéo dài
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình SXH năm nay có diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc gia tăng, địa bàn phát sinh mở rộng, thời gian đến sớm hơn các năm trước. Mặc dù các địa phương đã có cố gắng thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn chưa quyết liệt, số ca mắc SXH vẫn còn bùng phát nhiều.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, SXH vẫn có xu hướng gia tăng và lan rộng, nguyên nhân là do: tình hình SXH ở các nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao; hiện đang trong thời điểm mùa dịch, nguy cơ do tập quán trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể; sự phối hợp của người dân chưa cao trong việc tuyên truyền, phun hóa chất; quá trình đô thị hóa tăng nhanh; chưa có thuốc đặc trị và vaccine SXH… Do đó các địa phương cần sẵn sàng đối phó với dịch, nhất là trong tháng 8, tháng 9 tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế các tỉnh, TP cần rà soát lại các ban chỉ đạo; hướng dẫn, tổ chức phòng chống dịch cho tuyến y tế cơ sở, tuyên truyền thay đổi hành vi cho người dân. Kêu gọi các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, học sinh - sinh viên, Hội liên hiệp Phụ nữ… cùng tham gia phòng chống dịch. Các địa phương cũng cần kiểm soát ổ lăng quăng nguồn (chậu cây cảnh, bể chứa nước, lọ hoa, phế thải, máng nước gia cầm, chum vại, lốp xe…), xử phạt các tổ chức, đơn vị, cá nhân để phát sinh ổ dịch, ảnh hưởng đến cộng đồng. Bên cạnh đó HĐND, UBND các tỉnh, thành cần thiết lập lại hệ thống cộng tác viên về phòng chống dịch SXH trên mỗi tổ dân phố; không ngừng tăng cường tập huấn cho các bác sĩ của tất cả trạm y tế trên địa bàn thành phố để giảm tải cho tuyến trên.