Bệnh sởi gia tăng, TPHCM lập tổ chuyên gia điều trị

Hiện TPHCM đang ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Bệnh sởi gia tăng, TPHCM lập tổ chuyên gia điều trị

Nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, ngày 17-6, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM về đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi.

Cụ thể, đề nghị thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế, vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh theo phân tuyến; rà soát, củng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.

Tuân thủ thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế và các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM; đồng thời tổ chức tập huấn lại cho tất cả nhân viên y tế tại đơn vị. Đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi, đồng thời chỉ định nhập viện bệnh sởi theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Đối với các trường hợp người bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, các đơn vị chủ động hội chẩn với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của thành phố để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thực hiện điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh sởi tại đơn vị, tuân thủ các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh sởi đối với tất cả người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên y tế tại đơn vị.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chủ động chuẩn bị các nguồn lực (thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, giường bệnh,…) sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bệnh sởi nặng từ các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành khác chuyển đến.

Phối hợp với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của thành phố tăng cường công tác hội chẩn, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn đối với các bệnh viện tuyến dưới theo phân tuyến và các bệnh viện theo hệ thống chỉ đạo tuyến được Bộ Y tế phân công. Tiếp tục duy trì hoạt động giao ban chuyên môn định kỳ với các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh sởi và các bệnh lý truyền nhiễm khác đang lưu hành.

Giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống, khuyến khích người dân tiêm vắc-xin để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình; đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.

Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Là đầu mối, phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM triển khai thực hiện hoạt động điều tra và giám sát trường hợp mắc sởi và nghi sởi.

Tin cùng chuyên mục