Ngày 29-6, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Hội bệnh Alzheimer và rối loạn tâm lý nhận thức Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo cho hơn 70 bác sĩ, điều dưỡng tại TPHCM.
ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng do xu hướng già hóa dân số. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, điều trị vẫn gặp khó khăn do người dân chưa nhận thức về bệnh đầy đủ và đúng mức. Nhiều người có triệu chứng nhẹ như lơ đãng, mất tập trung nhưng chủ quan không đi thăm khám. Bên cạnh đó, có rất ít đơn vị sa sút trí tuệ ở các bệnh viện nên việc chẩn đoán, điều trị chuyên sâu còn hạn chế.
Do vậy, mục tiêu của chương trình đào tạo lần này là nâng cao kỹ năng của nhân viên y tế trong nhận diện, đánh giá tình trạng suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ của người bệnh, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Theo TS-BS Trần Công Thắng, Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn tâm lý nhận thức Việt Nam, sa sút trí tuệ là bệnh có thể phòng ngừa. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh, thậm chí đảo ngược tình hình.
Thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thế giới, cứ mỗi 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ. Tại Việt Nam, năm 2022, ước tính có khoảng 500.000 người bệnh sa sút trí tuệ nhưng 75% không được chẩn đoán và quản lý kịp thời.
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng cao theo tuổi, khoảng 8% người bệnh từ 60 tuổi trở lên và 17% với nhóm từ 80 tuổi trở lên. Một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố như đái tháo đường, stress, căng thẳng, muộn phiền kéo dài, cholesterol cao, hút thuốc, ít giao tiếp xã hội có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển.