Ông LÊ VĂN HÓA (42 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM): Bác sĩ chẩn đoán ba tôi bị sa sút trí tuệ. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có nguy hiểm không và có cần phải nhập viện điều trị không? Nếu điều trị ở nhà thì cần lưu ý những gì?
Bác sĩ CK2 TRẦN THỊ THU HƯƠNG, Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an): Sa sút trí tuệ là một chứng bệnh biểu hiện bằng triệu chứng quên, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ.... Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, trong đó phần lớn là do bệnh Alzheimer, ngoài ra còn do nguyên nhân mạch máu, chấn thương sọ não... Bệnh do Alzheimer tiến triển tăng dần theo thời gian, từ từ người bệnh sẽ phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày. Các phương pháp điều trị (bằng thuốc và không bằng thuốc) có thể giúp duy trì tình trạng bệnh không tiến triển nhanh chóng. Hiện có những người bệnh điều trị ở giai đoạn sớm, sau hơn 10 năm vẫn có thể sinh hoạt độc lập. Sa sút trí tuệ đơn thuần sẽ được điều trị ngoại trú, thăm khám bác sĩ theo lịch hẹn tùy theo mức độ bệnh.
Ngoài việc người bệnh dùng thuốc theo toa của bác sĩ, người chăm sóc cần tìm hiểu về bệnh để hiểu những thay đổi của người bệnh, từ đó thông cảm với người bệnh và cần tìm những hoạt động mà người bệnh yêu thích (làm toán, đọc sách, làm vườn, vẽ tranh...). Mỗi ngày học thêm những điều mới mẻ sẽ giúp cho trí não của người bệnh được tập luyện và giảm tình trạng thoái hóa.
Nếu cần, có thể đưa ba bạn tới Đơn vị trí nhớ và Sa sút trí tuệ của Bệnh viện 30-4 để được thăm khám, điều trị. Tại đây, chúng tôi sẽ làm một bài test trí nhớ để đánh giá người bệnh bị rối loạn chức năng nào, từ đó điều trị bằng thuốc theo nguyên nhân gây bệnh và có những bài tập hoạt động trị liệu, kích thích trí não giúp người bệnh hoạt bát, nhanh nhẹn, giảm căng thẳng, giảm triệu chứng bệnh.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.