Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 400 triệu người được phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Ở Việt Nam, theo một số kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và xu hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Trên thế giới, trung bình cứ 10 giây lại có 1 người bệnh COPD tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do COPD còn cao hơn tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Biểu hiện của COPD thường không dễ phát hiện.
Giai đoạn đầu, người bệnh thường ho dai dẳng, khạc đờm, thường là đờm trắng kéo dài kèm khó thở, cơ thể mệt mỏi. Những dấu hiệu này thường bị người bệnh bỏ qua, thay vì người bệnh phải tới cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
Thực tế, đa số người bệnh thường đến khám khi bệnh đã diễn tiến nặng. Lúc này, người bệnh cần điều trị lâu dài và phần lớn điều trị suốt đời. Về nguyên nhân, COPD do tình trạng tổn thương gây tắc nghẽn các đường dẫn khí trong phổi; xảy ra khi cơ thể thường hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài. Khói thuốc lá, khói bếp, không khí ô nhiễm, hóa chất, bụi bặm hay tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp... cũng làm tăng nguy cơ mắc COPD.
Trong đó, hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Các triệu chứng của COPD sẽ được cải thiện khi người bệnh ngừng hút thuốc lá, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc phục hồi chức năng phổi.
Không bao giờ quá trễ để bỏ thuốc lá. Chức năng hô hấp của người COPD sụt giảm hàng năm, như một chiếc xe đang lao dốc và bỏ thuốc lá có tác dụng như một cái phanh, là biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong điều trị COPD.
Phương pháp tốt nhất để phòng tránh là tạo môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá và bụi bặm, thiết lập chế độ thể dục thể thao tốt cho lá phổi. Chú trọng khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm, giúp điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.