Bệnh nhi đột ngột tử vong khi đang điều trị viêm ruột, bệnh viện nói gì?

Ngày 1-11, đại diện Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam đã thông tin về việc một bệnh nhi 4 tuổi ở Quảng Nam sau khi được truyền nước, tiêm thuốc điều trị viêm ruột thì bất ngờ tử vong.

Cụ thể, vào sáng 30-10, cháu V.V.M.Đ. (sinh năm 2019, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) được phụ huynh đưa đi học tại trường mẫu giáo ở địa phương. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, cháu có biểu hiện đau bụng nên giáo viên của lớp gọi báo cho phụ huynh đón cháu về để chăm sóc.

Gia đình đã đưa thi thể cháu Đ. về nhà để lo hậu sự

Gia đình đã đưa thi thể cháu Đ. về nhà để lo hậu sự

Nghe được tin thì anh Võ Văn Diệu (sinh năm 1985, là cha của cháu M.Đ.) đến trường đưa cháu về nhà, cho uống thuốc và ăn cháo, tuy nhiên cháu M.Đ. không bớt đau. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, anh Diệu cùng vợ là chị Võ Thị Thúy Loan (sinh năm 1989) đưa cháu Đ. đi cấp cứu tại bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam.

Tại đây, các y bác sĩ đã tiến hành siêu âm và chẩn đoán cháu M.Đ. bị bệnh viêm ruột. Sau đó, có tiến hành truyền 2 bình nước, làm thuốc nhưng cháu vẫn không bớt đau. Cả đêm đến sáng hôm sau (31-10), cháu Đ. đau sốt, không ngủ được, luôn quấy khóc.

Chị Võ Thị Thúy Loan đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai

Chị Võ Thị Thúy Loan đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai

Chị Loan kể, trước đó 1 tuần, cháu Đ. có bị viêm ruột nhưng sau khi uống thuốc thì đã ăn uống, đi học trở lại bình thường. Đến sáng 31-10, mặc dù cháu Đ. còn đau nhưng vẫn tự chơi được ở hành lang phía sau phòng bệnh, được cho ăn cháo nhưng ói ra toàn bộ. Đến khoảng 8 giờ sáng, có bác sĩ có đến thăm khám, làm thuốc, truyền thêm bình nước cho cháu.

“Lúc này, tôi bế con trên tay để bác sĩ làm thuốc. Được khoảng 15 phút sau, cháu có biểu hiện rất mệt nên 2 vợ chồng báo với bác sĩ rồi đưa đi cấp cứu. Nhưng sau đó không lâu, bác sĩ nói rằng cháu đã không qua khỏi và nói gia đình đưa cháu về nhà”, chị Loan bật khóc khi kể về con.

Còn anh Diệu nói rằng, khi thăm khám, thấy bác sĩ tiêm 1 mũi thuốc vào bình nước để truyền cho cháu, anh có thắc mắc đây là loại gì. Sau khi tiêm tầm 15 phút, cháu có phản ứng, nôn ói, nói năng mất kiểm soát. Khi đưa đi cấp cứu 30 phút thì cháu mất. Lúc đưa thi thể cháu Đ. về nhà, gia đình thấy bị tím tái từ vùng thái dương đến sau gáy và môi.

“Nhưng vì sao trước khi làm thuốc, con tôi vẫn còn chơi đùa được? Sau khi làm thuốc xong thì cháu mất quá nhanh. Phía bệnh viện cũng không giải thích rõ ràng nguyên nhân vì sao con tôi lại mất, khiến gia đình chúng tôi rất bức xúc”, anh Diệu nói.

Chiều 1-11, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Sơ sinh, cấp cứu, hồi sức tích cực và bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam), là người phụ trách ca bệnh đã thông tin về vụ việc.

Theo đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Đ. vào tối 30-10 trong tình trạng đau bụng, nôn mửa. Bệnh viện tiến hành siêu âm, chẩn đoán cận lâm sàng rằng cháu Đ. bị viêm ruột. Do cháu Đ. không ăn uống được nên đã truyền dịch.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy thông tin về trường hợp của cháu Đ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy thông tin về trường hợp của cháu Đ.

Đến khoảng 2 giờ sáng 31-10, cháu trở đau, được bác sĩ thăm khám, siêu âm về vấn đề đường ruột nhưng chưa phải can thiệp cơ thể. Đến khoảng 8 giờ 50, bệnh nhi chuyển biến mệt, lơ mơ rồi được chuyển lên khoa hồi sức tích cực. Khi can thiệp hồi sức, bệnh nhi bắt đầu ngưng tim, ngưng thở và mất lúc 10 giờ 10 cùng ngày.

“Trong giới hạn của y khoa, có những bệnh không điều trị được, đặc biệt là những bệnh virus. Những bệnh virus qua đường ruột thì có khoảng 5% sẽ tấn công lên tim. Và chẩn đoán cuối cùng nguyên nhân tử vong của bệnh nhi Đ. là do viêm cơ tim thể tối cấp tính. Bệnh nhi nhiễm virus, biểu hiện từ đường ruột, sau đó tấn công lên gây tổn thương cơ tim. Đây là trường hợp rất hiếm gặp, chuyển biến rất nhanh”, bác sĩ Thúy lý giải.

Về việc người nhà thấy nhân viên y tế có tiêm thuốc, bác sĩ Thúy giải thích rằng trong quá trình truyền dịch thì có thao tác dùng kim tiêm để kiểm tra ven. Và bệnh viện chỉ mới truyền 1 bình dịch, đến bình dịch thứ 2 vào sáng 31-10 thì gia đình thấy dùng kim tiêm là để kiểm tra bình dịch này. Trong lúc bệnh nhi Đ. ngưng tim, ngưng phổi, các y bác sĩ có thực hiện động tác hồi sức, nên sau khi đem thi thể bệnh nhi về sẽ bị hoen tử thi ở những vùng trên.

“Bệnh viện cũng đã giải thích với người nhà bệnh nhân khi làm thủ tục nhưng có lẽ gia đình không hiểu hết ý được giải thích. Chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc và chia buồn với gia đình cháu Đ.”, bác sĩ Thúy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục