Bệnh nhân mắc giang mai tăng nhanh ở nhóm MSM

Ngày 1-12, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc giang mai đến điều trị, phần lớn ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Một bệnh nhân mắc giang mai điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM
Một bệnh nhân mắc giang mai điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam 43 tuổi (ngụ Long An) có quan hệ đồng giới và đang điều trị nhiễm HIV. Gần đây, bệnh nhân phát hiện mắt mờ dần, nổi đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân, đi khám mắt với chẩn đoán viêm màng bồ đào cả 2 mắt. Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc giang mai với kết quả huyết thanh học dương tính.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 24 tuổi (ngụ Gò Vấp, TPHCM) có quan hệ đồng giới nam. Khoảng 1 tuần nay, bệnh nhân có cảm giác chói mắt và đau quanh mắt, sau đó thì không nhìn thấy rõ, kèm theo xuất hiện nốt đỏ ở mặt và thân mình. Khám chuyên khoa mắt có viêm màng bồ đào trái và cũng được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ cho xét nghiệm với kết quả huyết thanh học giang mai dương tính.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 31 tuổi, có quan hệ tình dục đồng giới, đang điều trị thuốc kháng virus HVV (ARV). Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện, bệnh nhân giảm thính lực cả hai tai, chóng mặt, ù tai và đến khám tại bệnh viện chuyên khoa với chẩn đoán điếc đột ngột chưa rõ nguyên nhân. Kết quả nội soi mũi xoang, vòm họng, MRI sọ não chưa thấy bất thường.

Bệnh nhân uống thuốc 1 tuần không thấy đỡ nên đến Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân mắc giang mai thần kinh, giang mai tai và tiền sử nhiễm HIV. Sau điều trị, triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện, thính lực được khôi phục gần như bình thường, hết ù tai.

hm.png
Bệnh nhân mắc giang mai ở lòng bàn tay và bàn chân

Theo BS-CK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM, giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh thường được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng điển hình ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng hiếm gặp có thể gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Bệnh giang mai mắt là biểu hiện hiếm gặp của bệnh giang mai và viêm màng bồ đào thường gặp nhất trong bệnh giang mai mắt. "Khi chẩn đoán mắc bệnh giang mai, nghi ngờ mắc bệnh giang mai nên khám toàn diện và các triệu chứng về mắt và thần kinh, tầm soát các bệnh lý lây qua đường tình dục khác: HIV, lậu, sùi mào gà… đặc biệt là các đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, lưỡng giới, và chuyển giới”, BS-CK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ thông tin.

Đồng thời khuyến cáo, việc không nhận ra các biểu hiện ở mắt của bệnh giang mai hoặc điều trị chậm trễ sẽ dẫn đến mất thị giác không hồi phục, hay mù hoàn toàn.

Sáng 1-12, Bệnh viện Da liễu TPHCM tổ chức “Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục” nhằm cập nhật kiến thức chuyên môn, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cán bộ y tế về thực trạng và xu hướng trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn lây qua tình dục.

468973267_612026991201228_4873317284053923900_n.jpg
BSCK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM phát biểu tại hội nghị

Theo BS-CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, hội nghị gồm phiên toàn thể và 6 phiên đồng thời về các vấn đề như: nhiễm khuẩn lây qua tình dục trên đối tượng đặc biệt; nhiễm khuẩn lây qua tình dục và rối loạn tâm lý, tâm thần; bệnh giang mai; bệnh sùi mào gà... Đặc biệt, phiên toàn thể với các nội dung về thực trạng, thách thức và xu hướng hiện nay trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn lây qua tình dục, từ đó xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống nhiễm khuẩn lây qua tình dục tại TPHCM giai đoạn 2025 – 2030.

Tin cùng chuyên mục