Bệnh nhân loét chi do tắc hẹp động mạch chi

Bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Ngoài ra, người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
TS-BS Trần Thanh Vỹ tư vấn điều trị cho người bệnh
TS-BS Trần Thanh Vỹ tư vấn điều trị cho người bệnh

Ngày 19-11, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân T.H.P. (69 tuổi, ngụ tại Tân Phú) bị lở loét là do tắc hẹp động mạch chi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội cả hai chi, nửa bàn chân trái xuất hiện những vết loét nhỏ, có xu hướng lan rộng toàn bàn chân và được chuyển đến khoa Lồng ngực - Mạch máu để tiến hành điều trị.

Theo TS-BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh tắc hẹp động mạch chi (hay còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi gây thiếu máu cục bộ.

Bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Ngoài ra, người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

Ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng. Nếu có, thường là những cơn đau nhẹ ở bắp chân, còn gọi là “đi lặc cách hồi”, sẽ biến mất sau khi nghỉ ngơi. Cũng vì vậy mà những cơn đau này thường bị nhầm lẫn là do viêm khớp, bệnh lý cơ hay biểu hiện của tuổi già.

Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn.

Tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu. Trong một số trường hợp, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30% - 40% còn lại phải cắt cụt chi.

Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh không điều trị tốt, tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao.

Còn theo TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, biến chứng loét chi do bệnh tắc hẹp động mạch chi thường bắt đầu ở phần xa nhất của chi, tức là tại các đầu ngón tay hoặc ngón chân. Điều này là bởi, khi lượng mạch máu bị tắc hẹp tăng lên, lưu lượng máu cung cấp cho các chi bị giảm sút.

Các phần chi ở xa không có đủ oxy và chất dinh dưỡng để duy trì sự sống, ngọn chi bắt đầu bầm tím, loét và hoại tử đen. Phân độ nặng nhẹ loét chi được xác định dựa trên mức độ ảnh hưởng của biến chứng này đến khả năng đi lại của người bệnh.

Nếu tình trạng loét chỉ xuất hiện ở đầu các chi thì được đánh giá là nhẹ. Ngược lại, nếu vết loét đã lan rộng tới nửa bàn chân hoặc đến gót chân thì được xem là nặng. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ gây tắc hẹp động mạch chi, tình trạng nhiễm trùng cũng góp phần thúc đẩy lở loét chi diễn tiến nặng hơn.

Tin cùng chuyên mục