Yên tâm điều trị
Ông Hà Công Thanh (59 tuổi), ngụ Long Thành, Đồng Nai - một trong số 40 bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện (BV) Quân dân y miền Đông (quận 9, TPHCM), tỏ vẻ mệt mỏi sau gần 4 giờ nằm yên trên giường bệnh. Ý thức được sự lây lan nguy hiểm của dịch, những ngày qua ông chủ động phòng dịch cho mình cẩn thận theo hướng dẫn của BV. Tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, cả người thân trong gia đình, ông Thanh còn chủ động khai báo ngay cho nhân viên Khoa Thận lọc máu những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, không ngửi được mùi. Ông yên tâm được lọc máu đúng lịch vì BV Quân dân y miền Đông kiểm soát người bệnh và người thăm khám bệnh rất chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không có ca nghi mắc Covid-19.
Theo Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, cả nước có gần 6 triệu người bị bệnh thận, trong đó khoảng 80.000 người đã ở giai đoạn cuối. Có khoảng 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ chạy thận nhân tạo cho hơn 30.000 trường hợp. |
Tương tự, trong căn phòng sạch sẽ, thoáng mát với hơn 10 bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại Khoa Thận nhân tạo BV Quận 2, bà Phạm Thị Thanh Vân (75 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, quận 2) cho biết: “Ngay từ cổng riêng của BV, tôi và các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng được nhân viên y tế đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay nhanh. Tới khu vực chạy thận, tôi lặp lại quy trình trên, đồng thời phải khai báo y tế… Tôi thấy quy trình phòng dịch của BV dành cho bệnh nhân chạy thận rất kỹ nên an tâm khi điều trị ở đây”.
Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh
Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép thuộc BV Nhân dân 115 có trên 60 máy chạy thận nhân tạo, 5 máy HemoDiaFiltration (HDF - phòng chạy thận nhân tạo kỹ thuật cao), 2 máy lọc màng bụng (home choice), điều trị cho 300 bệnh nhân chu kỳ. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thúy Quỳnh Mai, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, đây là nhóm bệnh nhân có sức khỏe kém, suy giảm miễn dịch... Ngoài ra, do giảm sức đề kháng nên người suy thận mãn thường dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Khi bị nhiễm trùng thường rất khó điều trị.
Sức khỏe của bệnh nhân suy thận mãn vốn đã suy giảm, lại càng bị suy giảm thêm do các bệnh phối hợp. Nếu không may bị mắc Covid-19 thì nguy cơ tử vong rất cao. Bác sĩ Quỳnh Mai dẫn chứng: Tính đến ngày 10-9, Việt Nam có 1.059 bệnh nhân Covid-19, đã điều trị khỏi cho 890 người và có 35 ca tử vong. Trong số 35 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, đa số có liên quan tới suy thận mãn giai đoạn cuối. Do đó, tất cả bệnh nhân và người nhà đều được bác sĩ, điều dưỡng của khoa và BV sàng lọc, tư vấn kỹ cách phòng dịch ở BV cũng như ở nhà. Đặc biệt, khoa Nội thận - Miễn dịch ghép và BV Nhân dân 115 chỉ cho duy nhất một người nhà đưa bệnh nhân đến khám, điều trị; khai báo y tế, đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, mang khẩu trang khi ở BV; nằm ngược đầu nhau khi điều trị; trường hợp bị sốt, ho sẽ được cách ly ngay…
Tại BV Quận 2, nơi tiếp nhận khám chữa bệnh từ 1.200-2.000 lượt người/ngày, riêng khoa Thận nhân tạo có 130 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Bác sĩ CKII Từ Kim Thanh, Trưởng khoa, cho biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bệnh nhân suy thận bắt buộc phải đến BV lọc máu 2-3 lần/tuần. Để đảm bảo an toàn cho nhóm bệnh nhân này, ngoài giải pháp phòng dịch, bệnh nhân phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và đeo vòng tay sàng lọc từ cổng BV. Khu vực chờ được phân bố ghế ngồi cách nhau 2m, có màn hình tivi tuyên truyền cách phòng bệnh. Khu vực chạy thận, đơn vị tăng cường khử khuẩn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.
Không chỉ các BV, các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố cũng đẩy mạnh phòng chống dịch tại đơn vị. Ngoài việc thực hiện các quy định của Bộ Y tế, mỗi bệnh nhân nội trú chỉ được một người nhà chăm sóc. Các trung tâm đảm bảo phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế như khẩu trang chuyên dụng, kính chống giọt bắn, quần áo bảo hộ; tăng khử trùng từ 1-3 lần/ngày.