Bệnh nhân Hiền là ca thứ 3 được ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương và là ca ghép phổi khó, phức tạp nhất từ trước đến nay tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trước đó, bệnh nhân Hiền ngoài căn bệnh tràn dịch màng phổi còn được chẩn đoán mắc bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM) - là một sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn xung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết và màng phổi. Đây là bệnh hiếm, nếu không được ghép phổi, sự sống của bệnh nhân không thể kéo dài qua 5 tháng.
Quá trình ghép, tĩnh mạch phổi dưới bên trái bệnh nhân bị khiếm khuyết, gây khó khăn nên các bác sĩ phải tạo hình tĩnh mạch phổi dưới cho nữ bệnh nhân này. Tuy nhiên, quá trình hồi phục, miệng nối của tĩnh mạch ghép bị trục trặc khiến một lá phổi gần như không thể hoạt động. Tình thế cấp bách, bệnh nhân Hiền lại được đưa vào phòng phẫu thuật tạo hình lại toàn bộ tĩnh mạch phổi dưới bên trái.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được phát hiện có khối u ở thận và bị vỡ nên phải phẫu thuật cắt bỏ thận phải. Giai đoạn phục hồi, bệnh nhân lại bị nhiễm loại virus làm tiêu toàn bộ hồng cầu ngoại biên, gây tình trạng thiếu máu trầm trọng. Bệnh viện đã phải sử dụng phác đồ điều trị tới 200 triệu đồng trong 5 ngày để loại bỏ hoàn toàn virus này trong cơ thể bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm, hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân Hiền đang tốt dần lên, chỉ số máu hồi phục, dự kiến 2 tháng nữa sẽ hồi phục hoàn toàn.
“Trung bình, 1 ca ghép phổi chi phí từ 1,5 tỷ đồng tới 2 tỷ đồng và được bệnh viện, các nhà hảo tâm hỗ trợ phần lớn. Tuy nhiên, đây là con số rất lớn đối với một gia đình nên rất cần xây dựng quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân ghép phổi, nhằm giúp đỡ những người bệnh hiểm nghèo”, bác sĩ Đinh Văn Lượng chia sẻ.