Trong 3 tháng mê man là khoảng thời gian các bác sĩ Việt Nam nỗ lực tìm mọi cách đưa bệnh nhân 91 trở về từ cửa tử, cũng là khoảng thời gian cả nước cầu mong anh vượt qua đại nạn.
Để rồi từ một người phổi gần như xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động, phải hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO, anh đã bừng tỉnh dậy. Câu nói đầu tiên mà bệnh nhân này thốt lên đó là hai từ “tuyệt diệu” (fantastic) và anh mỉm cười với các y bác sĩ.
Theo PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân rất khả quan, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc, giao tiếp bằng lời nói, có thể tự thở, các hoạt động cung cấp oxy giảm, ban ngày không cần thở oxy.
Tình trạng phổi hồi phục trên dữ liệu lâm sàng, tự thở tốt, không suy hô hấp. X-quang phổi hồi phục tốt. Bệnh nhân có thể cầm nắm, tự ăn, viết, sử dụng điện thoại tinh tế như nhắn tin.
Sức cơ chân hồi phục khá, có thể co chân bình thường, đang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, cơ chân có thể cần thêm thời gian mới có thể đi đứng bình thường. Chức năng các cơ quan khác hầu như trở về bình thường, đặc biệt là hệ miễn dịch….
Và đến hôm nay, nam phi công được các bác sĩ cho xem hình ảnh quá trình vận chuyển, điều trị, vì thế anh mới biết mình đã nằm viện suốt 3 tháng qua với 2 lần chuyển viện. Đó cũng là lúc anh biết mình là bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam.
Thừa nhận mình có tất cả 100% may mắn, bệnh nhân 91 cho rằng, trong bối cảnh số lượng người tử vong do Covid-19 trên thế giới rất nhiều, nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn anh đã không qua khỏi, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu.
Bệnh nhân 91 thổ lộ: “Và cho đến bây giờ, tôi cũng không biết làm thế nào mình có thể vượt qua giai đoạn khủng khiếp ấy. Nếu không có các bác sĩ Việt Nam thì tôi đã không thể hồi sinh”.
Đặc biệt, khi nghe tin khoảng 1-2 tuần nữa mình có thể đi lại bình thường, xuất viện, trở lại với cuộc sống với bầu trời và những chuyến bay, trái tim của anh càng rạo rực.
“Nếu có thể nói gì với các y bác sĩ Việt Nam, tôi muốn nói cảm ơn họ rất nhiều, các bạn vô cùng xuất sắc. Đặc biệt, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tôi xin cảm ơn Việt Nam”, bệnh nhân 91 xúc động nói.
“Tôi cảm thấy mình có tất cả 100% sự may mắn khi ở Việt Nam điều trị trong bối cảnh số lượng người tử vong do Covid-19 trên thế giới rất nhiều. Nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã chết nhưng các bác sĩ Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu”, nam phi công người Anh xúc động nói. |
Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của người này đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là “cơn bão” cytokine, đặc biệt chất này tấn công mạnh vào phổi gây tổn thương phổi rất nặng nề. Không chỉ gặp hội chứng “cơn bão” cytokine, bệnh nhân 91 còn bị rối loạn đông máu, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO).
Chỉ trong 4 ngày đầu tiên, các bác sĩ phải tiến hành thay 3 màng lọc, đây là điều chưa từng có trong kỹ thuật ECMO tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
“Máu liên tục đông đặc, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim bất cứ lúc nào, điều này đặt ra cho toàn các bác sĩ thách thức phải tìm ra loại thuốc kháng đông thay thế. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành ở Tiểu Ban điều trị - Bộ Y tế, các bác sĩ quyết định sử dụng một loại thuốc mà ở Việt Nam chưa từng sử dụng, đó là thuốc kháng đông đường tĩnh mạch do Đức sản xuất. Thế nhưng quá trình xin giấy phép, nhập thuốc về Việt Nam phải mất đến 10 ngày. Trong hơn 10 ngày chờ đợi thuốc từ Đức nhập về cũng là 10 ngày “cân não” bắt buộc đội ngũ chuyên gia phải tìm cách giữ mạng sống cho bệnh nhân 91”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Còn bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 31 ngày kể từ khi bệnh nhân 91 được chuyển về BV Chợ Rẫy cũng là khoảng thời gian cân não đối với đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Ở thời điểm vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện đã rất căng thẳng bởi dù quãng đường từ BV Bệnh Nhiệt đới về BV Chợ Rẫy không quá xa nhưng do bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở với một hệ thống dây nhợ lằng nhằng đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. “Chỉ cần một sơ suất thì bệnh nhân cũng có thể ngưng tim ngay trên đường đi”, bác sĩ Linh nói.
Trong tuần đầu tiên, khi bệnh nhân vẫn hoàn toàn phụ thuộc ECMO, các thông số và nhịp tim của bệnh nhân có lúc lên xuống, thậm chí có khi rớt thẳng đứng còn 50-60 nhịp/phút, những lúc đó nhịp tim của đội ngũ nhân viên y tế cũng muốn rớt theo bởi nguy cơ bệnh nhân ngừng tim là rất lớn.
“Quá trình cứu sống bệnh nhân 91 gặp vô vàn áp lực nhưng đó chỉ là đơn thuần áp lực cứu người, áp lực của lời thề Hippocrates để bằng mọi giá cứu sống người bệnh, dù bệnh nhân đó là người quốc tịch nào, thậm chí có khi là một tử tù thì với các y bác sĩ đó đơn thuần cũng chỉ là một người bệnh cần được cứu sống. Khi làm nghề, chúng tôi không để tâm đến những áp lực bên ngoài, chỉ làm theo chuyên môn hết sức để cứu sống bệnh nhân, chứ không phải vì áp lực từ thế giới”, PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo |
Rồi đến quyết định ngưng thuốc an thần, giãn cơ để đánh giá tình trạng thần kinh của bệnh nhân 91 cũng là một quyết định khá liều lĩnh lúc bấy giờ.
Bác sĩ Linh cho hay: “Khi bệnh nhân tỉnh thì nhịp thở càng nhanh, nhu cầu oxy càng cao, càng gắng sức thở thì nguy cơ tràn khí màng phổi, vỡ phổi dễ xảy ra. Chúng tôi cũng lường trước được điều này nhưng vẫn phải quyết định ngưng thuốc bởi nếu hôn mê quá lâu sẽ ảnh hưởng đến não trạng của bệnh nhân”. Kể cả thời điểm quyết định cai ECMO cho bệnh nhân cũng là thời khắc quyết định sinh - tử của bệnh nhân này.
Nằm trong ê-kíp hội chẩn online cho bệnh nhân 91 từ thời điểm mới nhập viện đến nay, PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chia sẻ, có những thời điểm vô cùng khó khăn, gần như tuyệt vọng khi cơ hội sống của bệnh nhân không còn, nhất là thời điểm phổi của bệnh nhân gần như hoàn toàn đông đặc, chỉ còn thông khí được khoảng 10%. Cùng với đó là các biến cố xảy ra liên tục, thậm chí có những ngày có đến 3-4 biến cố xảy ra khiến các bác sĩ phải tìm mọi cách ứng biến.
"Có những đêm chúng tôi thức trắng, cân não quyết định sử dụng loại thuốc nào, phương án điều trị nào. Có khi rơi vào tình huống khẩn cấp, không kịp xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế mà phải xử trí ngay để bảo tồn tính mạng cho bệnh nhân. Chúng tôi hay nói với nhau là mình đang “đi xiếc trên dây”, vô cùng áp lực và căng thẳng. Chỉ trong 57 ngày chạy ECMO chúng tôi đã phải thay đến 7 màng lọc. Đây là ca quá đặc biệt của thế giới", bác sĩ Thảo cho hay.
Và như một điều kỳ diệu, sau 96 ngày nằm viện, bệnh nhân 91 gần như hồi phục bình thường, PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ, thời điểm này, bệnh nhân 91 đã hết tiêu chuẩn nằm Hồi sức cấp cứu, có thể chuyển sang khoa khác và xuất viện trong thời gian gần nhất.
Tuy nhiên, mọi quyết định đối với bệnh nhân này vẫn đang phải chờ chỉ đạo từ Bộ Y tế. Vẫn nhớ như in từng dấu mốc của bệnh nhân 91, bác sĩ Trần Thanh Linh, người trực tiếp điều trị bệnh nhân 91 cho biết, anh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã dốc toàn lực trong 96 ngày qua.
“Sáng 22-6, tôi trò chuyện với bệnh nhân 91, động viên anh mạnh mẽ, nỗ lực hơn nữa để trở lại cuộc sống bình thường. Anh hứa với chúng tôi sẽ quay trở lại bầu trời, làm chủ bầu trời và trong chuyến bay đầu tiên sau khi xuất viện, anh sẽ chở toàn bộ các y bác sĩ đã cứu sống anh như một lời tri ân dành cho những người thầy thuốc đã đưa anh trở về từ cửa tử”, bác sĩ Trần Thanh Linh kể.
DIỄN TIẾN SỨC KHỎE BỆNH NHÂN 91 - Ngày 18-3: Bệnh nhân nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới và phải thở máy - Ngày 6-4: Bệnh nhân đặt ECMO - Ngày 22-4: Bệnh nhân được mở khí quản, lọc máu - Ngày 7-5: Kết quả xét nghiệm bệnh nhân hết virus SARS-CoV-2 - Ngày 14-5: Bộ Y tế hội chẩn và đưa phương án ghép phổi cho bệnh nhân, kết quả 2 lần chụp CT Scanner phổi đã hồi phục 20% - Ngày 22-5: Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy - Ngày 27-5: Bệnh nhân ngưng lọc máu, cử động được ngón tay - Ngày 29-5: Bệnh nhân tỉnh, phổi cải thiện được một phần, thông khí phổi tăng lên 40% - Ngày 2-6: Bệnh nhân ngưng ECMO - Ngày 5-6: Phổi phục hồi lên đến 60% - Ngày 8-6: Phổi hết sạch vi khuẩn - Ngày 13-6: Ngưng máy thở, tự thở hoàn toàn - Ngày 15-6: Ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ dùng kháng nấm - Ngày 16-6: Bệnh nhân đã đứng được và tập đi - Ngày 17-6: Bệnh nhân đã tự đứng dậy trên khung tập, thể tích phổi đã hồi phục 85% - Ngày 19-6: Phổi hồi phục 90% - Ngày 22-6: Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc, giao tiếp bằng lời nói, có thể tự thở |