Không xem là... bứt rứt
Vừa nấu cơm vừa xem livestream, phơi quần áo cũng xem livestream... gần như đã “thấm” vào trong sinh hoạt thường ngày của chị Thu Hồng (ngụ quận 5, TPHCM). “Không xem thì thấy thiếu thiếu và buồn buồn. Xem cho vui chứ có mua hàng đâu”, chị Hồng bộc bạch. Cũng là “tín đồ” xem livestream, anh Thành Văn (nhân viên giữ xe) có niềm đam mê các món đồ cổ nên hễ sáng, trưa hay chiều tối đều vào các kênh livestream liên quan để xem. “Ngày nào không xem livestream là tôi thấy bứt rứt trong người. Có những ngày tôi ngồi xem từ sáng đến trưa”, anh Thành Văn chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, livestream bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến phụ kiện công nghệ, chim cá cảnh… Hình ảnh nhiều người xem livestream không chỉ được bắt gặp ở các quán cà phê, quán ăn, mà ngay tại cả công sở, trong khu vui chơi. Theo các chuyên gia công nghệ, với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok…, việc mở kênh livestream bán hàng không hề khó. Các trang mạng, những lớp dạy về livestream bán hàng cũng nhiều vô kể, chỉ cần đăng ký, đóng phí là vô học. Các lớp này cũng hướng dẫn rất nhiều chiêu thức để người xem livestream không rời khỏi màn hình máy tính, điện thoại di động; thậm chí có những chiêu như ăn mặc hấp dẫn, nói lời ngọt ngào với khách hàng. Các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cũng tổ chức các khóa đào tạo bài bản cho người livestream, thậm chí Shopee còn có “học viện” Shopee chuyên đào tạo livestream.
Nguy cơ “nghiện” mua sắm
Có thể nói, “nghiện” xem livestream bắt đầu hình thành từ khi thương mại điện tử phát triển. Hiện nay, mua hàng qua việc xem livestream đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người.
Theo TikTok Việt Nam, những buổi livestream đã tiếp cận 72% người dùng tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là trong mùa lễ hội mua sắm đầu năm 2024. Nhiều kênh TikTok có lượt theo dõi cao cũng gây chú ý khi đạt doanh thu lớn, thu về nhiều tỷ đồng nhờ livestream bán hàng. Trong khi đó, trình duyệt Cốc Cốc ghi nhận, thị trường Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới trong thói quen mua sắm, với một tỷ lệ khá lớn khách hàng mua sắm qua livestream.
Còn theo báo cáo “Thị trường thương mại điện tử - Thời của mua sắm và giải trí” của Công ty Kirin Capital phát hành vào đầu tháng 4-2024, có đến 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động là công cụ đặt hàng. Số liệu này cho thấy xu hướng sử dụng các ứng dụng mua hàng trực tuyến hay dùng điện thoại di động để xem livestream, mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến.
Theo đại diện Công ty AccessTrade Việt Nam (đơn vị chuyên về marketing trực tuyến), việc mua sắm qua livestream có tiềm năng thúc đẩy doanh số bán hàng thương mại điện tử. Trong đó, 3 nền tảng livestream phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%).
Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 người bán; mức độ chịu mua hàng trực tuyến của người Việt đứng thứ 11 thế giới. Livestream góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, nhưng theo các chuyên gia, cũng là tác nhân gây “nghiện” mua sắm trực tuyến.
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, “nghiện” mua sắm có mối liên kết chặt chẽ với một số căn bệnh như rối loạn lưỡng cực, không kiểm soát được bản thân; và “nghiện” xem livestream còn kéo theo những hậu quả khác, nhất là khiến người xem thiếu đi kỹ năng giao tiếp với xã hội.
Mặt khác, theo các chuyên gia tâm lý, một người khi đã có thói quen xem livestream nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng sau đó không xem nữa thì sẽ lâm vào cảm giác buồn chán và có thể dẫn đến stress. Vì vậy, “nghiện” xem livestream cũng có thể xem là “bệnh của thời online”, gây những tác hại không hề nhỏ trong đời sống.
Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen IQ Việt Nam chỉ ra, với dân số đông, tỷ lệ sử dụng mạng internet tốt, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử phát triển. Cụ thể, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong 3 tháng đầu năm 2024.
Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2023, hiện nay các mặt hàng được lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất chủ yếu là quần áo, giày dép và mỹ phẩm - khi có tới 63% tỷ lệ người dùng trực tuyến tham gia mua sắm; tiếp đó là các thiết bị đồ dùng gia đình (53%), đồ công nghệ và điện tử (39%). Riêng với livestream, các mặt hàng như phụ kiện thời trang, sản phẩm làm đẹp, phụ kiện công nghệ… được săn đón nhiều nhất.