“Người ta lập kỷ lục về thành tích học tập, về thể thao hay những kỷ lục có ý nghĩa đem lại vinh quang cho bản thân, cho đất nước. Đằng này nhiều người còn đua nhau khoe kỷ lục kiểu đáng phạt nhiều hơn đáng thưởng, riết rồi chẳng ra sao”.
Chị Phan Thị Mỹ Trang vẫn còn nhớ như in gương mặt của chàng trai chạy Grab mà chị mới gặp. Gương mặt ấy ấn tượng với chị không phải bởi vẻ điển trai hay có gì đó đặc biệt mà chính là kỷ lục “nhảy” việc mà cậu hồ hởi khoe như một thành tích đáng kiêu hãnh.
“Không rõ thực hay hư nhưng cậu ấy khoe 8 năm qua đã nhảy cả thảy trên dưới 30 công việc khác nhau, từ nhân viên ngân hàng, nhân viên tài chính, bán bất động sản, thu thập dữ liệu, quản lý nhà hàng… và nay cảm thấy hợp với nghề chạy Grab nên làm lâu nhất. Cậu ấy còn khẳng định rằng so với đám bạn cùng trang lứa mà cậu ấy quen biết, chưa ai phá vỡ được kỷ lục “nhảy” việc mà cậu đã lập ra”, chị Mỹ Trang kể.
Dòng trạng thái “Buổi tối của 2 thằng, không đá, kỷ lục chưa anh em?” kèm tấm hình 6 két bia chất cao quá đầu và tấm hóa đơn tính tiền trên Facebook, Thắng Nhàn đã nhận được sự “khâm phục”, “tán dương” của nhiều người bạn. Vũ Đình Thắng (huyện Hóc Môn), chủ nhân của tài khoản Facebook ấy, có dịp nở mày nở mặt với bạn bè về đô nhậu của mình. Thời điểm ấy, đi đâu Thắng cũng thách bia, thách rượu mọi người trong tâm thế sống chết gì cũng phải giữ cái kỷ lục ấy.
Ngoài ra, những kỷ lục kiểu ăn hết tô mì to nhất, ăn cay nhất hay kỷ lục về thời gian ngồi đồng ở tiệm net luyện game, thậm chí là kỷ lục thi lại môn cũng từng được tung lên mạng như để thỏa cái thú được khoe của bản thân.
Khi post Facebook khoe thành tích chuyến đi với tốc độ “bàn thờ” mà dân mạng hay gọi, có lẽ Đ.A cũng chẳng nghĩ đến ngày mình bị cơ quan chức năng sờ gáy như vậy. Song, danh tiếng chưa đến bao lâu thì Đ.A đành khai thật với cơ quan chức năng rằng tốc độ đó do Đ.A “nổ” thêm để lấy le với bạn bè và cộng đồng mạng. Kết quả, Đ.A bị phạt vì lỗi chạy quá tốc độ và không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua xe không chuyển tên nhưng bài học về thú mưu cầu danh ảo đáng phải suy ngẫm.
Phạm Hoàng Hải (ngụ quận 3) cho hay, từ khi có mạng xã hội, rất nhiều người bạn của cậu cũng cố tình khoe kỷ lục của mình bằng mọi giá với hy vọng có chút danh, được cộng đồng mạng khen ngợi. “Có bạn đăng danh sách dài những cái tên mà nó gọi là người yêu cũ, thậm chí vỗ ngực tự khoe đã qua đêm với hàng chục em. Có đứa lại khoe một đêm đi bar tốn cả trăm triệu với hàng chục chai rượu ngoại được khui liên tục. Với những thanh niên bình thường như chúng tôi, đó thực sự là điều mà không dễ trải nghiệm nhưng liệu rằng sau những lời tán dương, trầm trồ trên mạng, mấy ai thật lòng khâm phục những kỷ lục ấy?”, Hoàng Hải nêu quan điểm.
Vì đâu mà người ta lại thích danh ảo đến vậy? Nguyễn Thị Hà, 24 tuổi (chuyên viên Personal Branding - xây dựng thương hiệu cá nhân) cho rằng, trong khi một số nghệ sĩ trẻ đua nhau lập kỷ lục với lượng túi xách hàng hiệu, nước hoa hàng hiệu để lấy le trong giới thì một bộ phận thanh niên hướng đến danh ảo nhằm tăng lượng người theo dõi để bán hàng online. Song, cũng không thể không kể đến một số bạn khoe kỷ lục (kể cả những kỷ lục buồn) với hy vọng may mắn được một số trang mạng thêu dệt và chia sẻ rộng rãi để có nhiều người biết đến.
“Trong nghề, chúng tôi có từ gọi là “ngáo danh”. Thời điểm mới về Việt Nam, tôi cùng nhóm bạn có tổ chức nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực Personal Branding thì nhận thấy nhiều bạn trẻ luôn ao ước được nhiều người biết đến. Mục đích đơn giản chỉ có vậy nhưng các bạn cho biết bản thân sẵn sàng lập những kỷ lục điên rồ nhất”, Hà cho biết.