Gần 50% dân số trên 50 tuổi tại TPHCM cần điều trị loãng xương, trong đó, có khoảng 50% nữ, 35% nam cần điều trị loãng xương. Đây là thông tin được ThS-BS Đoàn Công Minh, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM lần thứ 20 năm 2022 diễn ra ngày 15-12.
Theo ThS-BS Đoàn Công Minh, nghiên cứu được thực hiện ở 1.421 bệnh nhân nữ và 652 bệnh nhân nam trên 50 tuổi đang sinh sống tại TPHCM nhằm xác định tỷ lệ dân số cần điều trị loãng xương.
Kết quả cho thấy, 27% nữ và 10% nam trên 50 tuổi bị loãng xương và gần 50% nữ, 30% nam cần có chỉ định điều trị loãng xương theo tiêu chuẩn của Hiệp hội loãng xương quốc gia Hoa Kỳ.
“Điều đáng nói, nhiều người dân vẫn chưa tiếp nhận điều trị loãng xương đúng mức”, bác sĩ Đoàn Công Minh thông tin và cho biết, loãng xương gây ra nguy cơ tàn phế và có thể tử vong.
Cũng theo bác sĩ Đoàn Công Minh, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc loãng xương càng gia tăng. Ước tính toàn thế giới có trên 500 triệu người bị loãng xương. Ở Việt Nam, con số này khoảng 3,6 triệu người. Dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người Viêt Nam bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.
Lão hóa dân số là nguyên nhân chính gây nên tình trạng gia tăng bệnh loãng xương và Việt Nam là quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh. Chính vì thế, loãng xương đang gia tăng nhanh trong cộng đồng và đang là gánh nặng lớn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gần.
Hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lần thứ 20 năm 2022 có 28 bài báo cáo khoa học do các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và các giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện. Đây là những kiến thức quý báu được đúc kết từ quá trình điều trị thực tế và là diễn đàn để các nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. |