Thống kê tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn thành phố, những ngày qua, số lượng trẻ đến thăm khám liên tục tăng. TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, trẻ điều trị tại khoa chủ yếu nhiễm trùng hô hấp, trong đó nhiều trẻ viêm hô hấp nặng, đặc biệt là viêm phổi và viêm tiểu phế quản. Đa số phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời và bệnh nhi từ các tỉnh chiếm 60% tổng số ca. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết, số ca đến thăm khám các bệnh về hô hấp gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không quá nhiều. Có khoảng 7% trẻ chuyển nặng phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhi mắc hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 |
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong 10 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 238.000 ca mắc hô hấp. Riêng tháng 10, số ca bệnh gia tăng đột biến hơn 35.300 ca. Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục tăng. Kết quả phân tích nguyên nhân số ca mắc tăng gần đây cho thấy, virus vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảnh viêm hô hấp cấp tính, cùng với thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến hiện tượng này.
Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, Sở Y tế khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân người lớn và cho trẻ em và luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi. Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện.
Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng. Phụ nữ có thai, người già, người có bệnh lý nền cần tiêm vaccine cúm hàng năm. Bên cạnh đó, người đang có các triệu chứng viêm hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, dinh dưỡng hợp lý theo tuổi và giữ gìn nhà cửa sạch thoáng.