Tuyên bố chung ngày 30-7 của Thị trưởng TP New York Eric Adams và Ủy viên Sở Y tế TP Ashwin Vasan nêu rõ: “New York hiện là tâm dịch với khoảng 150.000 người dân có nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tính đến ngày 29-7, có tổng cộng 5.189 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên cả nước. New York hiện là bang có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất ở Mỹ với 1.383 ca, tiếp theo là bang California với 799 ca.
Từ đầu tháng 5 đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, trong đó phần lớn là ở châu Âu. Tây Ban Nha và Brazil là 2 quốc gia đầu tiên ngoài châu Phi ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ - Viện Virus quốc gia (ICMR-NIV) vừa phát hiện chủng virus đậu mùa khỉ xuất hiện ở nước này khác với chủng virus gây ra tình trạng siêu lây nhiễm ở châu Âu, dẫn tới bùng phát dịch toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu đưa ra tuyên bố trên sau khi giải trình tự gene của 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, chủng virus xuất hiện ở Ấn Độ là A.2, gần đây đã được “nhập khẩu” từ Trung Đông. Chủng này đã xuất hiện ở Thái Lan và Mỹ trong đợt bùng phát năm 2021, còn chủng virus gây ra các đợt siêu lây nhiễm rộng hơn ở châu Âu là B.1.
Tốc độ lây truyền liên tục từ người sang người hiện nay của virus đậu mùa khỉ được cho là đã xảy ra thông qua các đợt siêu lây lan ở châu Âu với hơn 16.000 trường hợp tại hơn 70 nước. Trong số này, phần lớn là do virus B.1 và dòng chính của bộ gene 2022.
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên ngoài châu Phi; tuy vậy những biến chứng nguy hiểm là rất hiếm. Mục tiêu hiện nay là ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng ở châu Âu và chấm dứt đợt bùng phát hiện nay.