Học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ
Từ thứ hai đầu tuần, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ghi nhận liên tiếp trường hợp học sinh bị đau mắt đỏ. Ngay khi có ca bệnh, trường chú trọng công tác phòng dịch, tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh cá nhân phòng bệnh cho học sinh, nhất là tại các lớp bán trú, trường tiểu học, trung học cơ sở.
Cô Nguyễn Thị Lệ Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 - Trường Tiểu học Duy Tân cho biết, các em có biểu hiện đỏ mắt 1 con, sưng mắt, chảy nước mắt, chảy ghèn. Các em cũng chủ động báo với cô giáo là mắt bị đau nên giáo viên cũng nắm được tình hình. “Trong sáng ngày 13-9, có 9 học sinh được phụ huynh xin nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ”, cô Tuyết nói.
Trường Tiểu học Hoa Lư có hơn 70 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tại Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) có hơn 70 học sinh mắc bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Nhân viên y tế Trường Tiểu học Hoa Lư, trong ngày 11 và12-9, trường ghi nhận thêm một vài học sinh có dấu hiệu đau mắt đỏ khi học tại lớp. Tại phòng y tế, cô hướng dẫn các em rửa mắt bằng dung dịch Natri clorid 0,9% để giảm chứng ngứa mắt và báo cho phụ huynh để học sinh được đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.
Trường Tiểu học Hoa Lư tuyên truyền cho học sinh thông qua video. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Các trường học đã tăng cường công tác truyền thông đến phụ huynh học sinh qua nhiều kênh khác nhau. Cô Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư cho biết, tại buổi chào cờ đầu tuần, nhân viên Y tế đã có bài tuyên truyền cho giáo viên học sinh, đề cập nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ, cách phòng ngừa nhất là giữ vệ sinh cá nhân; xây dựng video tuyên truyền về cách phòng ngừa, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mở cho các con xem đồng thời gửi đến phụ huynh học sinh.
Tương tự, trong tuần đầu tiên đến trường, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có hơn 180 em học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, chiếm 17% tổng số học sinh nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, đối với các em đến trường mắc bệnh thì nhà trường sẽ liên hệ phụ huynh đến đón ngay hoặc cách ly an toàn. Đồng thời khuyến cáo phụ huynh có con em mắc bệnh nên đến cơ sở y tế khám, điều trị và tạm thời không đến trường. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với phụ huynh, học sinh hướng dẫn học từ xa và có kế hoạch bổ sung kiến thức khi các em hết bệnh, đến trường trở lại.
Bệnh lây lan nhanh
Tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam, trong tuần qua, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng.
Khám mắt tại bệnh viện Mắt Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Nguyễn Minh Thu, Phó Giám đốc bệnh viện cho rằng, từ giữa tháng 8 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng nhiều lần so với trước đây. Tỷ lệ này chiếm khoảng 35%-40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50%, trong đó trẻ dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.
Ghi nhận một gia đình bị đau mắt đỏ tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ghi nhận tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), từ ngày 11 đến 14 giờ ngày 13 -9, khoa Mắt ghi nhận 515 trường hợp bị đau mắt đỏ, chủ yếu là trẻ em và người trẻ. Có nhiều trường hợp là trong một gia đình.
Bác sĩ Dương Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, một trong yếu tố thuận lợi để virus lây lan nhanh là sống chung cùng nhà, sống tập thể như ở nhà trẻ, trường học, trong gia đình... Khi tấy, đỏ mắt thì sẽ có thói quen ngứa, hay dụi mắt vô tình lây lan dịch tiết của mắt ra môi trường bên ngoài. Vì vậy việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh những vật dụng dùng chung rất quan trọng.
Học sinh trường Tiểu học Duy Tân rửa tay vào giờ ra chơi. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ghi nhận trong sáng 13-9, Bệnh viện Đà Nẵng có khoảng 30 ca bệnh đau mắt đỏ. Theo Bác sĩ Trần Nguyễn Giao Tiên, Khoa Mắt- Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viêm kết mạc có khả năng lây lan nhanh do Adenovirus hoặc Enterovirus. Loại virus này lây lan theo đường hô hấp nên khi nói chuyện, tiếp xúc đặc biệt là dịch tiết khi nhảy mũi, hắt hơi,… thì dễ dàng lây lan nhanh.