TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho biết, tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận có khoảng 3,8 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số dự báo tăng lên khoảng 6,1 triệu người vào năm 2040.
Việt Nam cũng có khoảng 12 triệu người người được chẩn đoán tiền đái tháo đường, trong đó có khoảng 5-10% sẽ tiến triển thành đái tháo đường hàng năm và dự báo có khoảng 70% người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nếu như trước kia bệnh chỉ xuất hiện trong độ tuổi trên 40 tuổi trở lên thì hiện nay đã xuất hiện người mắc bệnh ở độ tuổi 30; thậm chí có nhiều trẻ em cũng mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa được thông qua hoạt động thể chất thường xuyên và chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Vân, Trung tâm HCDC, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân chính gây nên các trường hợp tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù lòa, cắt cụt chi, suy thận và thậm chí tử vong.
Cụ thể, mỗi năm đái tháo đường làm tăng thêm 4,6% ca suy tim, 2,4% ca đột quỵ, 1,1% ca bị đoạn chi và 1,2 % ca suy thận. Do đó, mục tiêu của chiến dịch hành động nhân Ngày đái tháo đường thế giới và Tháng hành động phòng, chống đái tháo đường năm nay là nâng cao nhận thức của người dân về tác động của đái tháo đường đối với mỗi gia đình và phát huy vai trò của từng gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa đối với căn bệnh này.
Dịp này, HCDC và Hội Y tế công cộng TPHCM đã thực hiện khám tầm soát, lẫy mẫu xét nghiệm đường huyết và tư vấn cách phòng ngừa, chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm hạn chế biến chứng từ bệnh đái tháo đường cho hàng trăm người dân TP.