Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp, cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại, như: cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người thì từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong cuối tuần qua ở Khánh Hòa.
Cùng với đó, bệnh dại ghi nhận số ca tử vong rất cao tới 100%, trong đó năm 2023 là 82 trường hợp tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, đã có 27 người tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Làm rõ hơn về diễn biến của dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có tới 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gene từ bệnh của động vật. Tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người cần được ưu tiên phòng ngừa là: cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da.
Trong số các dịch bệnh này, bệnh dại đang có sự gia tăng và rất phức tạp khi chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 16/63 tỉnh thành có ca bệnh dại trên người, với 27 ca tử vong, trong đó miền Trung đang có số tử vong cao nhất (9 ca). Tại miền Nam, số người đi tiêm vaccine ngừa dại cao nhất cả nước tới 143.000 người.
“Bệnh dại không chỉ gây tử vong rất cao ở người mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ước tính mỗi năm, chúng ta tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng cho việc tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, chưa kể chi phí điều trị vết thương do chó, mèo gây ra”, ông Hoàng Minh Đức chia sẻ.
Ông Đức cho biết thêm, phần lớn người tử vong do bệnh dại là không tiêm ngừa vaccine vì chủ quan và khó tiếp cận vaccine, nhất là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa do giá tiêm vaccine dại khá đắt: 1,2- 1,5 triệu đồng/liều. Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài giảm cung cấp vaccine dại vì lợi nhuận thấp nên xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong một số thời điểm.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Trong đó có yêu cầu điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
"Chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại hội nghị.