Bệnh bạch hầu “tái xuất”: Chủ động phòng ngừa, không hoang mang

Những ngày qua, ngành y tế xác định thêm 2 ca mắc bệnh bạch hầu có tiếp xúc với ca tử vong trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tâm lý lo ngại về nguy cơ lây lan của dịch bệnh khiến lượng tiêm vaccine bạch hầu tại Viện Pasteur TPHCM tăng gấp 10 lần so với trước đây.

Tiêm vaccine bạch hầu (dịch vụ) cho trẻ tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Giao Linh
Tiêm vaccine bạch hầu (dịch vụ) cho trẻ tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Giao Linh

Căng thẳng vì dịch bệnh

Sáng 12-7, chị Trần Thùy Giang (TP Thủ Đức, TPHCM) có mặt tại Viện Pasteur TPHCM đăng ký tiêm vaccine bạch hầu nhưng được thông báo tạm thời hết vaccine này. Theo hướng dẫn của nhân viên y tế, chị đã liên hệ đến các cơ sở khác như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trung tâm y tế quận, huyện để kịp tiêm theo nhu cầu. “Tôi sắp có chuyến công tác ra Nghệ An nên cũng hơi lo về nguy cơ lây bệnh bạch hầu. Tìm hiểu thông tin thì thấy người lớn vẫn có thể tiêm nhắc lại nên tôi đăng ký tiêm cho an toàn”, chị Giang chia sẻ. Cũng trong tâm trạng lo lắng, chị Nguyễn Nhật An (quận Gò Vấp) quyết định hủy chuyến du lịch hè sau khi có ca tử vong tại Nghệ An và 2 trường hợp mắc mới. Chị An gấp rút đưa các con đi tiêm bổ sung để tăng miễn dịch bệnh bạch hầu.

Viện Pasteur TPHCM cho biết, 3 ngày qua, đơn vị tiêm vaccine bạch hầu cho khoảng 100-130 người/ngày, cao gấp 10 lần so với thời gian trước đó. Nhu cầu tăng đột biến khiến Viện Pasteur TPHCM tạm thời hết vaccine bạch hầu kể từ trưa 11-7 và đang gấp rút tiến hành mua bổ sung theo Luật Đấu thầu. Các loại vaccine tạm thời gián đoạn tại đây là vaccine dịch vụ 4 trong 1, 3 trong 1, có thành phần phòng bệnh bạch hầu, dành cho từng độ tuổi cụ thể. Khảo sát tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trung tâm y tế các quận, huyện cũng như nhiều cơ sở tiêm chủng tư nhân trên địa bàn TPHCM, nguồn vaccine bạch hầu vẫn còn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu người dân.

Trong bối cảnh ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, những thông tin sai lệch bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội như “TPHCM có ca mắc bạch hầu” càng làm tăng thêm nỗi lo ngại. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, lập tức bác bỏ tin đồn trên. “Ca bạch hầu gần nhất ghi nhận tại TPHCM vào năm 2020. Đây là bệnh phòng ngừa và điều trị được nếu phát hiện sớm. Người dân có thể tìm hiểu kiến thức để phòng bệnh nhưng không nên hoang mang trước những thông tin không chính xác”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Không hoang mang, tự ý tiêm vaccine

Nhận định về nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đến TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng có thể xảy ra, do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác. Tuy nhiên, khả năng mắc và lây lan còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu. “Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

L4b.jpg
Người dân tiêm ngừa vaccine bạch hầu tại Viện Pasteur TPHCM

Cùng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM, cho rằng, sự lo lắng quá mức là không cần thiết khi nền miễn dịch với bệnh bạch hầu tại Việt Nam ở mức cao. “Bạch hầu không thể lây tràn lan một sớm một chiều như tin đồn. Hiện nay, một số ca bệnh ghi nhận lẻ tẻ khi chưa tiêm ngừa, ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp là hiện tượng bình thường. Ngành y tế có thể kiểm soát được tình hình. Tâm lý hoang mang khiến cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực, người dân không dám đi lại, du lịch hay vui chơi thoải mái”, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo ông trường hợp nguy cơ cao, gia đình có trẻ nhỏ, công việc phải di chuyển nhiều nơi và có điều kiện kinh tế thì có thể tiêm vaccine bạch hầu để phòng ngừa chủ động. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa phải được bác sĩ tư vấn, không nên đổ xô đi tiêm chủng vì vaccine không khan hiếm.

Hiện nay, trẻ nhỏ được tiêm vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm 3 mũi cơ bản lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã bổ sung 1 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Ngành y tế khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo miễn dịch, phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vaccine phòng bệnh bạch hầu được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 giúp kéo giảm số ca mắc bệnh từ gần 3.500 trường hợp (năm 1983) xuống còn 10-50 trường hợp mắc/năm (giai đoạn 2004-2019). Thống kê năm 2023, cả nước ghi nhận 57 người mắc bạch hầu, trong đó 7 ca tử vong. Gần đây nhất, ngày 5-7, ngành y tế ghi nhận 1 ca tử vong ở Nghệ An, sau đó xác định thêm 2 trường hợp mắc bệnh có tiếp xúc trực tiếp với người này.

“Bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam nên việc tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, người dân không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế”, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.

Theo ThS-BS Trần Đăng Khoa, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân bạch hầu nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ biến chứng như viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong. Bên cạnh chủng ngừa bằng vaccine, người dân cần tuân thủ giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, nơi công cộng luôn sạch sẽ, thông thoáng. Người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly, điều trị kịp thời. Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh, chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

Tin cùng chuyên mục