Tìm người năm cũ
Sau 20 tháng Chạp, những ghe chở hoa kiểng từ miệt vườn các tỉnh miền Tây Nam bộ như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… bắt đầu cập bến, neo đậu. Sớm nhất là những ghe chở cây mai, phải đi ghe lớn vì mai được trồng và uốn trong các chậu nhiều kích cỡ, phần lớn các chậu nặng và dáng mai phổ biến cao ngang đầu hoặc ngang vai người.
Trên những ghe cập bến đầu tiên, chủ yếu là cánh đàn ông, vì công việc khuân vác mai từ ghe lên bến khá nặng. Vừa nghỉ tay sau khi đưa hơn chục chậu mai được xếp hàng ngang trên bến, anh Nguyễn Văn Thừa (37 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Mấy ghe chở mai lên trước, rồi ít bữa mới tới bông vạn thọ vì nhổ sớm quá để lâu bông không đẹp. Ghe chở vạn thọ nhỏ hơn để vợ tui với mấy đứa nhỏ đi theo coi chừng, còn ghe lớn này thì tôi lo”.
Nhiều năm về trước, khi con đường Võ Văn Kiệt chưa hình thành, bờ kè bến Bình Đông còn lởm chởm chỗ thấp, chỗ cao, con kênh Tàu Hủ với những cây cầu sắt bắc ngang, đêm ngày phát ra những âm thanh theo bước chân khách bộ hành, xe cộ qua lại… và chợ hoa dưới dòng kênh cũng bắt đầu.
Chợ hoa những ngày đầu có quy mô nhỏ, chỉ thu hút người dân khu vực gần đó như khu Chợ Lớn, quận 8, huyện Nhà Bè… Lâu dần, những chậu hoa, cây kiểng hương sắc miệt vườn hấp dẫn đông đảo người dân thành phố với hình ảnh đặc trưng chợ hoa trên bến - dưới thuyền độc đáo, khác biệt với những chợ hoa trong nội đô.
Đến hiện tại, bến Bình Đông đã được quy hoạch rõ ràng những khu bến đậu ghe dưới kênh, mở lô trên bờ cho chủ ghe thuê để bán hoa tết, nên hoạt động mua bán trên bến - dưới thuyền ngày càng chỉn chu hơn để khách mua hoa dễ bề lựa chọn.
Nhiều khách tranh thủ dạo chợ hoa từ rất sớm, vừa ngắm hoa, lựa kiểng và tìm người chủ ghe năm cũ để mua vì ưng bụng một kiểu mai, hay chậu cúc nào đó.
Không chỉ bà Dung, nhiều khách dạo chợ hoa bến Bình Đông sớm cũng vì cố tìm cho ra những ghe bông đã mua quen nhiều năm trước. “Bông thì chỗ nào cũng đẹp, nhưng mua quen rồi nên ra tới đây phải tìm cho được mấy chủ ghe cũ. Nhiều khi cũng chậu mai, chậu tắc mà mua quen chỗ này rồi mua chỗ khác không ưng bằng”, ông Đặng Văn Trình (65 tuổi, ngụ phường 5, quận 8) chia sẻ.
Còn với những ai sành chơi kiểng, mai theo dáng thế thì tranh thủ dạo chợ sớm để canh những ghe mai đầu tiên vừa cập bến là lựa liền, tìm những gốc mai đẹp chưng hết tết thì đem gửi dưỡng cây dành chưng tết năm sau.
Những ghe đầu tiên cập bến sau khi xong việc khuân vác, sắp xếp kiểng lên bờ thì chủ ghe khá thảnh thơi vì khách mua chưa đông. Các chủ ghe và những người săn mai kiểng thường ngồi trò chuyện cả buổi về dáng mai, cách uốn cây, dưỡng cây… rồi cao hứng mời luôn khách xuống ghe làm vài ly ấm bụng.
Để rồi những ngày cận tết năm sau, người mua lại rảo bước nhìn quanh, mong tìm lại “người quen” năm cũ, chào một tiếng, hỏi thăm vài câu. “Năm trước lối này là ghe ổng lên rồi, năm nay chắc lên trễ, tui ghé đây hai bữa nay để coi mai rồi mà chưa thấy. Mua chỗ ổng 2 - 3 lần rồi thành quen, ổng uốn hay nên có nhiều dáng mai độc lắm”, ông Lên Minh Hòa (56 tuổi, ngụ phường 5, quận 3) kể lại chuyện săn mai và tìm ông chủ bán cũ.
Hương sắc miệt vườn
Kênh Tàu Hủ với dòng nước chưa từng được gọi là đẹp, nhưng những ngày cận tết như khoác thêm lớp áo hoa mỹ miều. Dưới kênh, tiếng nước vỗ mạn thuyền, trên bờ tiếng người gọi nhau í ới.
Càng về những ngày cận tết, ghe bông cập bến càng nhiều, đủ sắc, đủ hương với những loài hoa đặc trưng của mùa xuân phương Nam như mai, vạn thọ, sống đời, cúc, phát tài, mồng gà…
Và nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu của người dân TPHCM về những loài hoa độc, lạ, tên đẹp với ý nghĩa mang lại may mắn trong những ngày đầu xuân, người bán bắt đầu trưng bày thêm hoa cát tường, hoa kim ngân, cây ngân lượng, cây may mắn…
Và không chỉ có hoa, những chậu cây trái cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng như tắc, vú sữa, ổi, táo, mận... Nhiều người bán cho biết, đây là giống cây ăn trái mini, sinh trưởng và phát triển tốt trong chậu, cho ra trái và chín như cây bình thường, chỉ khác là kích cỡ nhỏ hơn.
“Đầu năm chưng thêm cây trái thì cũng như có thêm tài lộc để lấy hên cả năm”, anh Văn Út (36 tuổi, ngụ quận 6) hóm hỉnh chia sẻ.
Không chỉ là chợ hoa trên bến - dưới thuyền độc đáo và gần như là duy nhất trong thành phố, chợ hoa bến Bình Đông còn níu giữ chân khách bởi những chậu hoa, cây kiểng miệt vườn đậm sắc, thơm hương. Vừa lựa xong chậu tắc, anh Trần Văn Thanh (40 tuổi, ngụ phường 6, quận 8) cho hay: “Tết năm nào tui cũng ra đây mua, thành quen luôn rồi, không mua là thấy thiếu gì đó khó tả. Bà xã với tụi nhỏ ở nhà cũng mua mấy cành hoa nhập khẩu ở tiệm để trưng thêm cho sang, nhưng cũng chỉ phụ hoạ thêm thôi, chứ đâu phải đặc trưng tết xứ mình; phải mai vàng, vạn thọ thì mới đúng tết cổ truyền của tổ tiên truyền lại”.
Bên cạnh hoa, trái miệt vườn, nét hấp dẫn của chợ hoa trên bến - dưới thuyền là tính chân chất, thiệt thà nhưng đầy hào sảng của dân thương hồ miền Tây, buôn bán nhanh gọn, không mua thì khách cũng dạo xem, hỏi giá, hỏi cây thoải mái.
“Đàn ông đi chợ ít khi trả giá lắm, ra đây mua bông thì yên tâm, không sợ nói thách hay bị hố, dễ mua lắm. Ghe đậu sát nhau, không lựa được bên này thì lựa bên kia, người ta buôn bán cho nhanh để còn về quê ăn tết, không có thách giá cao”, anh Nguyễn Văn Hai (32 tuổi, ngụ phường 14, quận 8) cho biết.
Thời buổi kinh tế thị trường, có nhiều hình thức để vận chuyển hoa từ miệt vườn lên thành phố nhờ đường sá phát triển, xe cộ liên hoàn, nhưng người bán vẫn có cái lý để đánh chuyến ghe đôi ba ngày theo con nước, chở hoa về thành phố.
“Mấy năm rồi, ghe hoa kiểng cập bến có ít hơn, nhưng tui bán ở đây đã quen rồi, cũng phải ba chục năm hơn, nên thành ra năm nào cũng thuê ghe chở hoa lên, không lên nhớ lắm”, bác Nguyễn Văn Ba (73 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.
Chợ hoa trên bến - dưới thuyền ở bến Bình Đông vẫn nguyên nét đặc trưng như thuở xưa đã từng vang bóng. Nhưng khách và ghe hoa ghé lại đã vơi nhiều, bởi người mua bây giờ có nhiều chợ hoa trong thành phố để đến và những cửa hàng hoa ngoại nhập độc, lạ, sang trọng ngày càng nhiều… Bớt khách thì cũng vơi ghe, không ít những chủ ghe lâu năm cũng thở dài trước mấy bận chợ hoa ế ẩm.
“Có năm cũng ế rồi lỗ luôn đó chứ, chở bông lên rồi lại chở về vì khách mua ít. Tui nghỉ 2 năm luôn, không lên ghe bông nữa, nhưng mà nhớ quá, năm nay lên bán lại. Thôi kệ, còn khách còn mình, năm nay lên hai ghe tắc với mai bonsai thôi, không dám lên nhiều như hồi trước”, ông Đỗ Văn Năm (62 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tâm sự.
Từ nơi “trên bến, dưới thuyền”, những chậu hoa kiểng mang hương sắc miệt vườn tỏa đi khắp những nẻo đường trong thành phố. Ai cũng vậy, khi một lần ghé lại thì khó mà quên hình ảnh chợ hoa trên bến - dưới thuyền độc đáo, một dấu ấn tết xưa đặc trưng vẫn được người phố thị nhớ và giữ gìn.