Không chỉ mang lại lợi nhuận
Lan tỏa và truyền cảm hứng về mô hình doanh nghiệp cân bằng giữa sứ mệnh xã hội và mục tiêu lợi nhuận tại Việt Nam, kết nối nguồn nhân lực về nhân sự - tài chính giữa các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là mục tiêu chính của diễn đàn.
Chia sẻ về mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, ông Hoàng Tuấn Anh, Trưởng ban tổ chức diễn đàn, đồng sáng lập Seed Planter, cho biết: “Doanh nghiệp tạo tác động xã hội là các đơn vị sử dụng mô hình kinh doanh như một cách tiếp cận bền vững để góp phần giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường. Doanh nghiệp tạo tác động xã hội hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, kết hợp giữa kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội, có thể tạo ra việc làm cho nhóm thứ yếu hoặc giải pháp giải quyết các vấn đề về xã hội”.
Đối với doanh nghiệp tạo tác động ở lĩnh vực giải quyết vấn đề xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổ chức Ingo Fablab Saigon, cho biết kinh tế tuần hoàn là một trong những hình thức sản xuất nổi bật để các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là về môi trường.
Chính vì thế, khi tham gia hoạt động này, các bạn trẻ và doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện các vấn đề nông nghiệp giá trị cao, sống xanh - tiêu dùng xanh, cơ hội khởi nghiệp, việc làm cho người khuyết tật và những cách thức bắt đầu, phương thức hoạt động, vận hành của doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Tại diễn đàn, các bạn trẻ tham dự sự kiện còn được dẫn dắt để đặt mình vào vị trí của một doanh nhân xã hội, nhằm xây dựng những ý tưởng kinh doanh để giải quyết các vấn đề hiện nay.
Từ đó đúc kết, doanh nghiệp tạo tác động xã hội là xu thế kinh doanh bền vững trong tương lai. Thống kê tại diễn đàn cho thấy, doanh nghiệp tạo tác động xã hội hiện chiếm 4% khu vực tư nhân; trong đó 70% doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang kinh doanh có lợi nhuận, 30% tập trung vào mục tiêu xã hội. Việc làm, cuộc sống mạnh khỏe hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là 3 lĩnh vực tác động hàng đầu của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
“Tối trong sáng”
Một sản phẩm khởi nghiệp tại diễn đàn nhận được nhiều sự quan tâm là của bạn trẻ Lê Văn Tiến (Long An) với ống hút được làm từ cỏ bàng - loại thực vật có khá nhiều ở tỉnh Long An. Bạn trẻ Lê Văn Tiến đã xây dựng quy trình sản xuất ống hút bằng cỏ với thời gian sử dụng trên 2 tuần và an toàn với người sử dụng. Sản phẩm này hiện đã có mặt ở khá nhiều nhà hàng, khách sạn…
Tại sự kiện này, sự thú vị còn nằm ở chia sẻ của anh Vũ Anh Tú và Germ Doornbos (người Hà Lan), những người sáng lập và thực hiện mô hình nhà hàng Noir và Blanc tại quận 1, TPHCM, là điển hình về doanh nghiệp tạo tác động xã hội khi mang lại cơ hội việc làm cho người khiếm thị, khiếm thính. “Noir” trong tiếng Pháp có nghĩa là “màu đen”. Các nhân viên phục vụ là những người khiếm thị hoặc mù hoàn toàn. Không ai nhìn thấy khách hàng và thực khách cũng không thể nhìn thấy gì trong phòng tối. Khi ăn trong một không gian như vậy, thực khách sẽ cảm nhận món ăn nhiều hơn qua vị giác và khứu giác. Người ta cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn vì những thiết bị thông minh đã được yêu cầu để bên ngoài phòng ăn. Không chỉ vậy, nhà hàng Noir và Blanc còn giúp những người khiếm thính, khiếm thị tiếp nhận được những giá trị cao trong công việc, tự tin về bản thân, công việc và làm chủ được cuộc sống của mình, đồng thời có thể hỗ trợ cho những người có cùng hoàn cảnh.
Vì vậy, điển hình của hoạt động tại nhà hàng Noir và Blanc không có nghĩa là tối, là đen mà là sự tươi sáng và nhìn rộng lớn hơn còn là nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tề này loại bỏ lãng phí nguyên liệu và ô nhiễm, thiết kế hệ thống tuần hoàn sản phẩm và vật liệu, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, giảm sử dụng nguyên liệu hữu hạn, giảm phát thải CO2… đây cũng là mục tiêu bền vững, nhân văn hơn mà không ít startup trong diễn đàn này hướng đến.
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường tiếp cận nguồn vốn và các phương pháp tài chính sáng tạo khác cho khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội, đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp tạo tác động xã hội và các doanh nghiệp khác trong khối tư nhân, đồng thời thành lập mạng lưới đại diện cho khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội, môi trường là 2 nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức doanh nghiệp tạo tác động xã hội. |