Hành trình của tâm hồn
Bên trong vỏ kén vàng - tác phẩm đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc nhất (Camera d’Or) tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2023 mở màn với phân cảnh 3 người bạn ngồi nhậu. Đây là phân cảnh rút gọn của phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng - tác phẩm được xem là nền tảng để đạo diễn Phạm Thiên Ân phát triển thành phim dài đầu tay. Cuộc nhậu này chia tay một người bạn sẽ rời bỏ phố thị sau khi đã tìm được lẽ sống cho riêng mình. Thiện, nhân vật chính, cũng mong muốn đi theo con đường đó, nhưng bị níu kéo bởi những lo toan thực tại. Người còn lại, sống thực tế và không đồng tình với lý tưởng ấy. 3 con người, 3 tính cách ít nhiều đều mang tính điển hình.
Tiếp đó, phim theo chân Thiện trên hành trình đưa linh cữu của chị dâu về quê ngoại, mang theo đứa cháu trai tên Đạo, đã sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Trở về quê hương, Thiện bắt đầu hành trình tìm kiếm người anh đã mất tích nhiều năm trước để trao Đạo cho anh trai. Giữa khung cảnh huyền bí của vùng nông thôn Việt Nam, hình bóng quá khứ, tuổi trẻ của Thiện và gia đình dần trở lại, khiến anh bắt đầu đặt ra những câu hỏi sâu sắc về những niềm tin của mình. Rời khỏi thành thị, về với nơi sống bao quanh bởi rừng già và những màn sương bảng lảng, Thiện dần rơi vào mê cung giữa mộng tưởng và thực tại, anh vật lộn trong cuộc khủng hoảng hiện sinh về những gì đáng để sống.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ: “Với Bên trong vỏ kén vàng, tôi muốn khám phá hành trình về quê của một người đàn ông, đưa anh ta kết nối với quá khứ. Hành trình phản ánh những chiều kích của tâm hồn con người, thứ chúng ta không ngừng tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể hoàn thiện, một cái gì đó kết nối với ước mơ, đam mê và cái chết không thể tránh khỏi”.
Khai thác nội tâm con người trong xã hội hiện đại
Trước hết, Bên trong vỏ kén vàng là bộ phim duy mỹ. Nhưng, cái đẹp ở đây không theo kiểu lạm dụng những góc quay toàn cảnh để thấy cái mênh mông, cao rộng của đất trời, cảnh vật. Tính duy mỹ của Thiên Ân giản dị, không bộc lộ quá nhiều sự sắp đặt. Khung cảnh Thiện và bạn gái cũ đứng trước cửa nhà thờ, cảnh Thiện bế đứa bé ngoài sân giữa những khung kén vàng hay khi anh đứng trên ngôi nhà bỏ hoang giữa mờ mịt mây khói… hiện lên đẹp, bình yên và cũng đầy khắc khoải. Cái đẹp có trong cả sự suy tư của các nhân vật từ suy nghĩ đến hành động. Chất duy mỹ ấy bao phủ suốt chiều dài phim, trở thành mạch nguồn để dẫn dụ người xem vào hành trình giữa mộng và thực của Thiện, dù đôi khi, nó cũng khiến người xem chênh vênh, hụt hẫng và cả hồ nghi.
Nhịp phim chậm, đôi lúc rề rà và thực tế có khi không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Nếu trong Hãy tỉnh thức và sẵn sàng là kết quả của một cú máy (one shot) kéo dài hơn 10 phút thì lần này, Thiên Ân khai thác triệt để những cú máy dài. Từng chuyển động của cảnh vật, hành động của nhân vật diễn ra chậm rãi, bình thản như nhịp sinh học Thiện đang trải qua. Do đó, một số trường đoạn khiến khán giả có cảm giác như phim tài liệu tả thực. Chọn cách kể “ngược dòng” với xu hướng mạch phim thường nhanh, gọn của đa phần phim Việt hiện nay, phải thừa nhận, không ít thời điểm bộ phim khiến người xem buồn ngủ, phát chán. Nhưng, rất may, khi âm nhạc vang lên và câu chuyện được xoay trở sang diễn biến mới lại khiến khán giả không thể không tập trung.
Một điều khá quan trọng là dẫu phim đầy suy tư và trăn trở, có cả sự đánh đố nhưng trên tất cả, bộ phim tràn ngập tính thiện. Chị dâu của Thiện đã trở về trong những vòng tay yêu thương. Nhà trường từ chối mọi sự đóng góp khi nhận Đạo vào học. Thiện hư xe trên đường được giúp đỡ chân tình. Ông Lưu chuyên khâm liệm người đã khuất nhất quyết từ chối nhận tiền dù hoàn cảnh sống ngặt nghèo. Hay Thảo - người yêu cũ của anh đã tìm thấy được niềm vui của sự cho đi. Phải chăng, tất cả đều là biểu hiện của sự tỉnh thức.
Khởi chiếu từ ngày 11-8, bộ phim có thể khó tạo nên cú hích phòng vé, nhưng lại là một tác phẩm mang màu sắc độc đáo của điện ảnh Việt.