Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu

Tranh luận với các đại biểu (ĐB) phát biểu trước ông về cán bộ dám nghĩ dám làm, ĐB Vũ Trọng Kim nói: “Sợ sai là có thật, nhưng các đồng chí hôm qua chưa nói ra nguyên nhân nhạy cảm nhất".
ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) tranh luận tại nghị trường sáng 1-6. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) tranh luận tại nghị trường sáng 1-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Sử dụng quyền tranh luận với các ĐB Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp ngày 31-5 về cán bộ dám nghĩ dám làm, ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị các ĐB đã phát biểu trước ông “đọc kỹ Nghị quyết Trung ương 7 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ - Nghị quyết số 26-NQ/TW)”.

ĐB Vũ Trọng Kim cho biết, ĐB đồng ý với một số ý kiến của các ĐB trên, nhưng cho rằng họ vẫn chưa nói rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất. “Sợ sai là có thật, nhưng các đồng chí hôm qua chưa nói ra nguyên nhân nhạy cảm nhất. Không chỉ sợ sai đâu, mà còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, cho người khác”, ĐB Vũ Trọng Kim thẳng thắn.

“Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”, ĐB Vũ Trọng Kim ví von.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Nhắc đến Nghị quyết Trung ương 7 và bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó, Tổng Bí thư đã nêu rõ một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, mạnh lên thì cán bộ nhụt chí không dám làm, ĐB Vũ Trọng Kim phát biểu: “Đây là nguyên nhân tôi cho rằng các đại biểu chưa nói tới. Mình cứ nói vòng vòng xung quanh”.

ĐB đề nghị từ nay các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có liên quan khác phụ trách cơ quan đơn vị phải cùng chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan đơn vị được thanh tra, kiểm tra nếu không chỉ ra được những sai sót, vi phạm. Bên cạnh đó, hết sức tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế.

ĐB cho biết, ông hết sức đồng tình với phát biểu của ĐB, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) về việc tạo điều kiện cho luật sư làm hết nghĩa vụ của mình và làm một cách xuất sắc trong môi trường nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tiếp lời, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận với ĐB Vũ Trọng Kim về bộ phận cán bộ “không làm gì” cả. Theo ĐB Lê Thanh Vân, ĐB Vũ Trọng Kim “chưa chỉ ra được bản chất, nguyên nhân và giải pháp” cho tình trạng này.

Bộ phận này có 3 nhóm: nhóm 1 là không biết gì, thì không làm được gì; nhóm 2 là không có lợi thì không làm; và nhóm thứ 3 biết nhưng sợ không làm.

Cả 3 nhóm đó đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật trao cho, ở đây là Nhà nước, là nhân dân trao. Vi phạm như vậy phải xử lý. Rất đáng tiếc các cấp, ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm, nhưng không xử lý.

“Một người không làm gì nhưng gây hậu quả nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự”, ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh. “Ví dụ như bác sĩ không cứu người, gây chết người phải truy tố, vậy thì một chủ tịch tỉnh không làm gì dẫn đến hậu quả là kinh tế đình trệ, không phát triển, khiến doanh nghiệp, nhân dân lao đao, khó khăn, còn gây hậu quả lớn hơn vị bác sĩ kia thì tại sao không xử lý?”.

Tin cùng chuyên mục