Chuyển biến tích cực
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là một trong những bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, quyết tâm sớm đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Cụ thể, Bến Tre đã triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp huyện và xã với kết quả đạt được khá tốt; là 1 trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên tích hợp thành công dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống hội nghị trực tuyến được khai thác, sử dụng hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã...
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Chuyển đổi số đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh. Bến Tre có thể là mảnh đất màu mỡ để phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi số thành công”.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực, trong đó, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được tỉnh xác định là nền tảng thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, là một trong những đột phá của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số. Điển hình như VNPT tỉnh Bến Tre đã đồng hành với tỉnh, phối hợp với Sở TT-TT thực hiện các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ công một cửa điện tử (VNPT-iGate) triển khai tại 15/15 sở ngành và 2 đơn vị cấp tỉnh, 9/9 UBND huyện/thành phố, 157 UBND xã/phường. Tổng số thủ tục hành chính của tỉnh là 1.793 thủ tục, tỉnh cung cấp 1.401 DVCTT mức độ 3, 4 đạt 100% (với TTHC đủ điều kiện), đạt 78,1% so với tổng số TTHC của tỉnh. Thực hiện kết nối đến các hệ thống, trung gian thanh toán trực tuyến, kết nối với trục LGSP (nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung), qua đó kết nối đến hệ thống bộ, ngành và Trung ương, các hệ thống khác của Bến Tre…
Theo ông Trịnh Minh Châu, Bến Tre có địa hình bằng phẳng, vừa có lợi thế phát triển kinh tế biển, vừa có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên, đặc biệt là du lịch sinh thái, dịch vụ và thương mại điện tử. Đây là điều kiện thuận lợi cho phép Bến Tre đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh du lịch; cũng như triển khai ứng dụng công nghệ số để ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, tiếp thị và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành, đảm bảo quá trình sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững; tạo cơ hội đầu tư và giới thiệu rộng rãi đến du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, trong đó Bến Tre đã và đang thực hiện, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, sự phát triển của khoa học - công nghệ là một xu thế, tạo ra nhiều cơ hội cho các địa phương, nhưng quan trọng nhất lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, nhằm tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cần thời gian, chọn lĩnh vực và công nghệ phù hợp để triển khai, áp dụng công nghệ vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương |