Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Sáng 5-12, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị “Công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trước đó, ngày 17-11, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bến Tre với phạm vi, ranh giới gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012 với diện tích tự nhiên 2.379,7km2, bờ biển dài khoảng 65km.

Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 3 huyện ven biển), gồm 1 thành phố và 8 huyện, với 157 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số khoảng 1.292.397 người, chiếm 5,84% dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đã thành lập 3 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp, cùng 6 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7MW và các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 69,16 MWp đã đi vào vận hành.

Theo quy hoạch, tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng.

z4944332834886-b3763241223d67c3c079f42ab30318db-8670.jpg
Bến Tre ưu tiên phát triển về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển diện tích khoảng 50.000ha

Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch, phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TPHCM, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh), phát triển đô thị dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, quy hoạch tỉnh Bến Tre là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư, phát triển tại địa phương.

z4944332853624-be08619c373afb71b43ba016be109598-4192.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội nghị

“Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên phát triển về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và để người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc, đến năm 2050 tạo nền tảng để đạt được mục tiêu là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục