Tiềm năng kinh tế biển
Theo Huyện ủy Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 04 ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Huyện ủy đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 03 về phát triển bền vững kinh tế biển huyện giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hướng Đông, Huyện ủy đề ra 11 công trình, dự án trọng điểm trên các lĩnh vực như: triển khai các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dự án năng lượng sạch và các công trình, dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, đô thị, đô thị lấn biển, mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Về nuôi tôm công nghệ cao, huyện thực hiện kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, lũy kế đến nay đạt 1.333ha. Đa số các cơ sở, hộ nuôi thực hiện mô hình đạt hiệu quả, có lợi nhuận cao, rủi ro thấp, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ngoài ra, với các dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường động lực ven biển là một trong những cơ hội giúp huyện có sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Tại Ba Tri, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, địa phương tập trung phát triển về kinh tế thủy sản. Hiện Ba Tri có khoảng 1.600ha diện tích nuôi tôm thâm canh hàng năm, trong đó có khoảng 420ha/500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 18.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các xã: Bảo Thuận, Bảo Thạnh và thị trấn An Thủy. Huyện chọn xã Bảo Thuận xây dựng vùng nuôi thí điểm tập trung 100ha.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, kinh tế biển là ngành kinh tế rất quan trọng, trong khi Bến Tre có 65km đường bờ biển vốn từ lâu chưa khai thác hết các tiềm năng. Theo ông Tam, phát triển về hướng Đông thể hiện khát vọng phát triển đột phá trong thời gian sắp tới và phát huy thế mạnh của biển, trong đó trọng tâm là lấn biển với 50.000ha để phát triển đô thị biển, các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, tuyến đường động lực ven biển kết nối từ TPHCM đến Cà Mau là một lợi thế mở ra hành lang kinh tế không chỉ cho riêng Bến Tre mà cho cả vùng ĐBSCL, góp phần phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tuyến đường ven biển - đòn bẩy phát triển
Ngày 2-10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre và khởi động dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với 2 tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh. Mục tiêu của dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển tại tỉnh Bến Tre và các địa phương ven biển lân cận; tạo bước đột phá để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh phát triển về hướng Đông của các tỉnh có con đường đi qua. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 nằm trong hành lang đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre, không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho những kỳ vọng lớn lao trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Dự án hoàn thành sẽ giúp tỉnh hiện thực hóa 52km tuyến đường ven biển, mở ra hành lang kinh tế mới cho tỉnh là kinh tế biển, nhất là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội về hướng Đông của tỉnh theo như quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bến Tre coi đây là một cơ hội thực hiện khát vọng lấn ra biển để làm giàu”, ông Trần Ngọc Tam cho hay.
Theo nhận định của TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, việc khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 là một dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại tỉnh Bến Tre, nằm trong chiến lược phát triển giao thông vận tải của địa phương, một mắt xích quan trọng kết nối hành lang ven biển… nhằm tăng cường liên kết giữa Bến Tre với các tỉnh ven biển theo trục TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau.
Tại lễ khởi công dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 và khởi động dự án tuyến đường bộ ven biển ngày 2-10-2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bến Tre trong việc thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông; đồng thời cho rằng, đây là con đường kết nối Bến Tre với các tỉnh ven biển ĐBSCL, các tuyến cao tốc; rút ngắn quãng đường di chuyển đến TPHCM; giảm tải cho quốc lộ 1A, giảm đáng kể chi phí logictis. “Dự án có nghĩa không chỉ với Bến Tre mà còn có ý nghĩa đối với cả vùng ĐBSCL. Từ đó, tạo ra sự bứt phá cho Bến Tre và cả vùng ĐBSCL, đánh thức một vùng đất hoang hóa đang ngủ yên, thành một khu vực kinh tế tiềm năng, sôi động trong tương lai trong cả công nghiệp, năng lượng, du lịch và dịch vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.