Ngoài những mặt thuận lợi, các xã viên cũng đã nêu những khó khăn trong quá trình hoạt động; đặc biệt là việc tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính; xây dựng vùng sản xuất sạch gắn truy xuất nguồn gốc; thị trường, các giải pháp xúc tiến thương mại và đề xuất, kiến nghị để HTX phát triển.
Ghi nhận những kiến nghị của các xã viên, đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp chung tay hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Yêu cầu Ban chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ để tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các HTX nông nghiệp; thông qua hoạt động phối hợp phải tập trung được mọi nguồn lực để hỗ trợ hoạt động HTX. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần vào cuộc một cách thực sự và mạnh mẽ, tập trung xây dựng được nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả góp phần tạo sinh kế, việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Tuy nhiên, các HTX tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, lựa chọn nhân sự phù hợp và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm công tác quản trị; tăng cường nguồn lực của HTX để liên kết, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; chủ động sản xuất kinh doanh thực chất, gắn với chuyển đổi số, thương mại điện tử; chú trọng nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ mới, chứng nhận chất lượng sản phẩm; bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm của HTX đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được ban hành phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Hiện tỉnh có 179 HTX, trong đó có 140 HTX nông nghiệp, thủy sản hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 80 HTX sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.