Cụ thể, giảm 10% hoá đơn tiền nước cho kỳ tháng 4-2024 và kỳ tháng 5-2024 cho tất cả các mục đích sử dụng nước gồm: nước sinh hoạt các hộ dân cư; phục vụ công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp; hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động kinh doanh dịch vụ. Giá giảm trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa có phí bảo vệ môi trường.
Việc giảm giá nước nhằm chia sẻ khó khăn với nhân dân trong bối cảnh hạn mặn đang diễn ra gay gắt.
Theo ghi nhận, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền tỉnh Bến Tre khoảng 70km, có nguy cơ gây thiếu nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 25.000 hộ dân.
Ghi nhận trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Tân An Thị (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành), cách cửa sông 50km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Phú Định (xã Phú Đức, huyện Châu Thành), cách cửa sông 66km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Khánh Hội Đông (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành), ấp Lân Bắc (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 62,4km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) và ấp Hưng Nhơn (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 73km. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Khánh Thạnh (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 48,4km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Thanh Yên (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách), cách cửa sông 61km.
Toàn tỉnh hiện có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với tổng công suất 10.500 m³/giờ (khoảng 250.000 m³/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, hệ thống lọc nước RO trên địa bàn tỉnh đã được vận hành nhằm cấp nước miễn phí cho người dân sử dụng, với khoảng 130 máy RO. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm) hiện đang quản lý, vận hành 29 hệ lọc RO, phục vụ cấp nước tập trung tại nhà máy nước, miễn phí cho người dân đến lấy phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu (ăn uống) hàng ngày. Lũy kế tính đến đầu tháng 4-2024, Trung tâm đã cấp khoảng 844m3 nước ngọt qua hệ thống lọc RO.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện cũng có hệ thống RO lọc nước để cấp nước cho người dân sử dụng. Trong đó, huyện Ba Tri có 18 hệ thống RO, công suất trung bình khoảng 1m3/giờ/máy; Bình Đại 43 hệ thống RO, công suất trung bình khoảng 1m3/giờ/máy; Châu Thành có 20 hệ thống RO, công suất trung bình 5m3/giờ/máy; Mỏ Cày Nam 5 hệ thống lọc RO, công suất trung bình 3m3/giờ/máy.
Ngoài ra, nhà máy xử lý nước sạch Giao Long (Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại N.I.D), xã Giao Long, huyện Châu Thành có 1 hệ thống RO hoạt động với công suất 125m3/giờ; Nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt của Công ty TNHH MTV Giải pháp công nghệ và Môi trường Đỗ Hoàn Sinh, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm với 1 hệ thống RO hoạt động với công suất 292m3/giờ.
Bên cạnh đó, một số nhà máy có hệ thống RO hoạt động có công suất nhỏ: Đan Mạch, Ba Lai, Thanh Loan, Rồng Phát… cũng đã hoạt động để cung cấp nước cho người dân.