Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre, để hiện thực hóa khát vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Bến Tre tham quan, trải nghiệm, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch đã được tỉnh phê duyệt, ngành du lịch Bến Tre sẽ chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành tỉnh, các địa phương và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm chiến lược sau: Thứ nhất, tập trung cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh Phương án phát triển hệ thống du lịch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh làm cơ sở pháp lý, định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho các cấp, ngành, địa phương; tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, tạo động lực cho các ngành khác phát triển và mang tính xã hội; nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Bến Tre.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế chính sách: rà soát, kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhất là chính sách ưu đãi liên quan đến đất đai, thuế; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn; kêu gọi và huy động nguồn lực, thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.
Thứ tư, tranh thủ các nguồn vốn Trung ương và địa phương để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp phát triển du lịch. Đồng thời, thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc
Thứ năm, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm. Khai thác tốt thị trường khách nội địa trong và ngoài tỉnh; xúc tiến và tận dụng thời cơ làn sóng khách quốc tế sau đại dịch có nhu cầu đi du lịch ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á... Đặc biệt, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Bến Tre gắn với hình ảnh cây dừa, tạo điểm khác biệt của xứ dừa và khai thác triệt để các sản phẩm từ dừa để làm du lịch. Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa, môi trường, gần gũi thiên nhiên. Phát triển các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước, truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thứ bảy, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, đào tạo kỹ năng nghề; khuyến khích doanh nghiệp du lịch tự đào tạo tại chỗ cho quản lý, nhân viên đơn vị; kết nối các cơ sở đào tạo uy tín với doanh nghiệp du lịch để vừa tạo nguồn lao động vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Thứ tám, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; ứng dụng du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội… tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thứ chín, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và cụm liên kết phía Đông ĐBSCL. Mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trên cả nước, khu vực và quốc tế để giao lưu kết nối, mở rộng tour tuyến giữa các địa phương. Bên cạnh liên kết ngoài tỉnh, phải quan tâm đến liên kết nội tỉnh, giữa cơ sở lưu trú, điểm đến với doanh nghiệp lữ hành…
Thứ mười, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương; rà soát và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh, huyện đến cơ sở về số lượng lẫn chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4573/KH-UBND của UBND tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3706/KH-UBND của UBND tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030; hoạt động du lịch Bến Tre có nhiều khởi sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân địa phương. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt cho hoạt động du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư; lượng du khách đến Bến Tre ngày càng tăng... |