Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL có tiêu chí đánh giá như: Tài nguyên du lịch đặc thù; các sản phẩm, dịch vụ du lịch nổi bật, có khả năng thu hút, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của du khách. Điểm du lịch tổng hợp, có diện tích tối thiểu 2ha, đón khách tham quan trung bình 120.000 lượt/năm. Đối với điểm du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú xếp hạng từ 3 sao trở lên, công suất phòng từ 70% trở lên. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ qua đào tạo đạt 70%-80% trở lên…
Các điểm du lịch ở Bến Tre gồm: Khu du lịch Cồn Phụng, Bến Tre Riverside Resort, Nhà hàng nổi TTC, Nhà khách Bến Tre, Khách sạn Việt Úc tiếp tục được đầu tư sản phẩm du lịch mới từ khi được công nhận đến nay. Do đó, thống nhất đề xuất tiếp tục công nhận 5 đơn vị này đạt tiêu chí điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2022.
* Cùng ngày, hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch” đã diễn ra tại Hậu Giang. TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng, cần phát triển du lịch vùng ĐBSCL, không gian du lịch phía Tây, để tăng cường liên kết không gian du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Hậu Giang; xây dựng thương hiệu du lịch Hậu Giang và ứng dụng tốt khoa học - công nghệ vào dịch vụ du lịch. Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số ngành du lịch. Việc hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh cần được sớm triển khai một cách có tính hệ thống…
Theo lãnh đạo Hậu Giang, tỉnh đang đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường và nỗ lực nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới, tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến Hậu Giang để thu hút khách du lịch. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của tỉnh nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến - Hậu Giang vui”, diễn ra vào ngày 16-7.