Bến nước, cầu ao

Nhỏ hơn sông quê là cái mương, theo lời người lớn giải thích, gọi là mương vì nó có chiều dài và kết nối với mấy con mương khác, tạo thành một mạng lưới dẫn nước đi khắp xóm. Có mương đủ rộng để vừa bơi một chiếc xuồng ba lá len lỏi, rồi chạy thẳng ra phía sông lớn.

cn4-nspn-234.jpg
Cầu sàn nước nhỏ bắc ở mương trước nhà. Ảnh: VINH VÕ

Dưới mấy con mương chạy quanh xóm làng, cũng đem lại nguồn huê lợi tôm cá tự nhiên cho dân miệt vườn, miệt ruộng. Bởi mạng lưới các con mương thể nào cũng nối ra phía sông lớn, cá tép theo con nước ra vô rồi sinh trưởng, sản vật của người nhà quê cũng sinh sôi qua từng ngày theo lẽ tự nhiên.

Nhiều năm trước, ngày gia đình còn nuôi vịt đẻ, xóm trên có nhà cô Tư trồng nhiều chuối, má sai sắp nhỏ trong nhà lên xin thân cây chuối về xắt cho vịt ăn. Cây chuối đốn xong thì thả xuống mương, rồi từ xóm trên ôm thân chuối mà bơi về tới nhà..

Mương nước trước nhà thường có cây cầu sàn nước nhỏ, tía đi ruộng về rửa chân cũng tiện, hay giặt tạm cho bớt lớp bùn đất trên mấy đồ lội ruộng. Ở cái thời của tía má hay ông bà, người ta thương nhau đôi khi là thấy hình ảnh cô gái ra giặt áo ở ngoài mương.

Mấy cái mương này, cũng là khu vui chơi cho sắp nhỏ nơi ruộng đồng, con nít lớn lên thì tía hay mấy anh trong nhà dắt ra mương tập bơi, tập lội. Bởi thế mà tuổi đi học thì đứa nào cũng bơi giỏi như nhái. Đám nhỏ trong xóm cứ ngày hè oi ả, không bận bịu chuyện học ở trường thì hè nhau ra mương tắm, tung tăng mà vẫy vùng.

Đứa nào chịu chơi hơn thì tập đu tàu dừa, tập phóng mương, câu cá bống... những trò chơi “đặc sản”, chỉ có nơi quê nhà thì đám trẻ con mới có thể đắm mình như thế. Để rồi đâu đó ở những chặng hành trình trong đời, hành trang ký ức của con người ta gắn liền với khúc mương trước nhà, hay con mương nối dài qua nhà bác Năm, chú Bảy.

Đô thị hóa dẫu nhanh dẫu chậm, cũng bắt đầu chạm ngõ làng quê, người ta ưu tiên đất ở hơn, ít nhiều vài gia đình trong xóm cũng bắt đầu lấp mương, cất nhà. Mạng lưới con mương chạy quanh xóm thuở nào cũng đứt đoạn, cái mương trước nhà giờ chỉ còn là cái ao nhỏ.

Và đám nhỏ bây giờ, lớn lên cũng có muôn vàn lựa chọn, không bận bịu chuyện học hành thi cử, thì cũng rành sáu câu chuyện trên mạng, hay muốn bơi thì có sẵn các hồ bơi ở trung tâm giải trí, mái che mát rượi mà vẫy vùng không lo hôi mùi bùn.

Cái góc ao nhỏ còn lại trong xóm, như cái bể mát để dịu bớt những ngày nắng như đổ lửa trên đầu, tưới nước đám cây trong vườn mùa khô cũng tạm. Cây cầu sàn nước vẫn còn đó nhưng chắc chỉ còn để thỉnh thoảng chiều chiều tía ra hóng mát, hay mấy đứa nhỏ trong nhà ngồi vọc nước cho vui, chứ chẳng còn ai giặt áo đâu mà trông.

Ao nhà nào rộng hơn chút thì người ta thả cá nuôi, chứ làm gì còn cá tự nhiên ra vô nữa, không thì thả rau muống, ít nhiều cũng đủ một dĩa rau luộc cho bữa cơm nhà. Nhiều năm sau nữa, khi nhịp sống nơi ruộng vườn cũng bắt đầu hối hả không thua gì phố thị, thì cái ao nhỏ cũng không ai dám chắc sẽ không bị san lấp… Liệu rằng người ta cần quỹ đất thật nhiều, hay một cuộc sống theo kiểu miệt vườn sông nước như thuở trước?

Tin cùng chuyên mục