1. Tôi vẫn thường nói đùa với bạn bè, mình là Grab đầy kinh nghiệm. Buổi chiều, tầm 4 giờ, như nhiều ông bố, bà mẹ cho con theo học tại Nhạc viện TPHCM, tôi ra khỏi công sở, lao như bay đến trường tiểu học đón con, lại lao như bay đến Nhạc viện. Cho con ăn nhẹ bữa chiều trước khi vào lớp... Thời gian cho tất cả việc ấy chỉ vỏn vẹn hơn một giờ.
Quãng đường chạy vòng con thoi của tôi hơn 30km. Đó là quãng đường bình thường của rất nhiều bố mẹ cho con học hai trường khác nhau. Có những học sinh còn phải bắt xe buýt đi cùng bố mẹ từ Biên Hòa, Đồng Nai đến trung tâm thành phố để học. Hầu hết học sinh hệ Trung cấp dài hạn (tuyển từ lớp 3 trở lên) của Nhạc viện đều học hai trường (trường tiểu học/trung học mà các em đang theo học và trường nhạc).
Bởi vậy nên việc chấp nhận ăn uống vội vàng, chạy đua thời gian để kịp vào Nhạc viện lúc 5 giờ 30 là chuyện bình thường với những cô bé, cậu bé nuôi trong mình ước mơ trở thành nghệ sĩ tương lai.
Khi các con chung một ước mơ thì nhiều ông bố, bà mẹ vô tình trở thành “bạn đường”. Nhiều bố, mẹ nhà xa, không tiện quay về mà thường chọn chỗ ngồi trước trường đợi con. Những hoàn cảnh, những câu chuyện cũng theo đó mà sẻ chia…
2. Trong số những “bạn đường” của tôi là một cụ bà 71 tuổi, chở cháu nội đi học. Bà theo cháu từ khi cháu còn nhỏ, đến nay đã 5-6 năm. Đứa cháu 14 tuổi mang theo cây đàn tranh, lớn gấp mấy dáng người bà gầy guộc, bé nhỏ. Nhìn hai bà cháu từ phía sau, dáng cháu che khuất hẳn dáng bà.
Bà kể, khi cháu còn nhỏ, bà cũng là người đầu tiên phát hiện ra năng khiếu của thằng bé để đưa thằng bé đến các lớp học sáo, đàn tranh ở Cung Văn hóa Lao động, ở các trung tâm, giáo xứ... Thương con bận rộn, không theo được đam mê của cháu, bà là người thay bố mẹ lo cơm nước, đưa đón, bảo ban, động viên cháu thi vào trường nhạc để có cơ hội học hành cao hơn. Ngày mưa gió cũng như nóng nực, hai bà cháu vẫn chở nhau gần hai mươi cây số đi, về. Tôi vẫn thường nhìn theo dáng hai bà cháu khuất lẫn vào dòng người trên phố, với sự nể phục và yêu quý kỳ lạ sự bền bỉ của tình bà.
3. Chị Châu có lẽ là một trong số những người mẹ có nhiều con đang học Nhạc viện nhất. Ba đứa con, từ bé đến lớn theo nhau học nhạc, khoa Piano và Violin. Chị chọn buôn bán online tự do để đảm bảo được giờ giấc theo con. Chồng chị Châu là bác sĩ. Sau dịch, công việc khó khăn, bác sĩ - bố đành chấp nhận xa vợ con, trở về quê mở phòng mạch. Bốn mẹ con ở lại thành phố vì về quê không thể tiếp tục việc học nhạc của con.
“Tụi nhỏ cần phải được chăm từng bữa ăn, phải đảm bảo sức khỏe vì đang tuổi ăn tuổi lớn mà học hành vất vả. Chị thường dậy thật sớm đi chợ để có đồ tươi mới cho con, hiếm khi cho con ăn ngoài vì chỉ tin vào vệ sinh từ tay mình nấu ra”. Chị Châu giải thích như vậy khi tôi tấm tắc khen đồ ăn chị nấu cho các con ăn trước giờ vào lớp luôn nóng sốt, khác với nhiều ông bố, bà mẹ… giống tôi, chỉ kịp mua ổ bánh mì chả cá, hoặc dẫn con ăn vội tô hủ tiếu, bánh canh cua… trước khi vào lớp.
Vì cả ba đứa con đều theo học nên hầu như ngày nào chị Châu cũng phải chạy đi chạy về nhiều bận đón các con qua lại giữa các trường. Cháu của chị, cô bé ở Đồng Nai, mỗi ngày bắt xe buýt đi hàng chục cây số học nhạc hiện đang theo học piano, hệ trung cấp. Sau tiết học, tầm hơn 8 giờ tối, con bé thường mừng vui đón hộp cơm dì nấu sẵn, mang theo dành phần cho mình. Nó ăn vội, nói với dì vài ba câu chuyện vui vui, trước khi vội chạy ra trạm bắt xe buýt về lại Biên Hòa.
4. Những phụ huynh đưa con đi học Nhạc viện, mỗi người một cảnh, họ chung đường nên dễ có sự sẻ chia, đồng cảm. Thi thoảng, bà cụ chờ cháu nhiệt tình mời người mẹ trẻ đợi con miếng bánh mì, miếng cam mang theo vì đói bụng bị tụt huyết áp, đi đường về nguy hiểm. Các bố, các mẹ người tranh thủ đi bộ thể dục, đan len, người đọc sách… những khi họ không trò chuyện cùng nhau.
Đêm muộn dần. Gần chín giờ vẫn còn vài bố mẹ chờ con trước cổng trường nhạc. Từ trường nhạc, tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát du dương vọng ra. Trong hành trình giai điệu ngọt ngào con đi, mang theo cả mồ hôi cha mẹ, ông bà…
Nhạc viện TPHCM (quận 1, TPHCM) tuyển sinh học sinh học xong lớp 3 (hệ trung cấp dài hạn 9 năm). Dù trường có đào tạo văn hóa cho các con nhưng chỉ từ cấp 3, đa số vẫn chọn học ở trường tiểu học, phổ thông bên ngoài, song song với Nhạc viện. |