Chủ vườn sinh thái đó là ông Huỳnh Phúc Truyền (65 tuổi, cư ngụ tại số 222 khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, quận 9).
Quận 9 được xem là một trong những quận ngoại thành của TPHCM phát triển mạnh về cây kiểng. Sống tại vùng đất này, cộng với bản chất là người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, ông Truyền đã đến với cây kiểng. Ông cho biết, lúc đó ông được địa phương hỗ trợ vay vốn Ngân hàng NN-PTNT đầu tư xây dựng mô hình trồng cây kiểng. Để chăm sóc vườn cây, ngoài bản thân, ông còn thuê thêm 2 lao động phụ giúp. Ban đầu, ông mua hơn 500 gốc mai, phân loại theo từng kích cỡ lớn - nhỏ để đưa vào chậu cho phù hợp. Sau đó khoảng 5 - 7 tuần thì bắt đầu ghép (mai giảo, huyền tỷ…).
Theo ông Truyền, thường người ta hay ghép mai giảo nhiều vì cách ghép này cho ra hoa đều và lớn. Để có kết quả tốt, khi ghép nên chia ra làm 2 loại: loại thứ nhất là mai có bộ rễ đẹp; loại thứ hai là tỉa tán cành mai cho đều mắt và hấp dẫn người xem. Chính sự tận tụy và say mê với nghề, đã giúp ông đưa vườn kiểng của mình trở thành một trong những Vườn sinh thái đẹp ở quận 9, được Sở NN-PTNT công nhận vào năm 2005. Không dừng lại ở đó, năm 2006, ông được Hội Nông dân phường giới thiệu là nông dân giỏi tham gia học lớp kỹ thuật trồng hoa lan do Hội Nông dân TP tổ chức. Ông Truyền còn được đi tham quan nhiều mô hình trồng hoa lan ở trong và ngoài nước....
Sau những chuyến đi thực tế và được tham gia tập huấn từ các lớp kỹ thuật trồng hoa của cơ quan khuyến nông địa phương tổ chức, ông Truyền quyết định đầu tư vốn xây dựng mô hình hoa lan, chủ yếu gồm lan Vanda và Mokara. Ông Truyền không trồng đại trà (như lên liếp, chậu…) mà mua những gốc cây vú sữa, cắt gọn lại độ cao trung bình từ 2m - 2,5m và gắn những cây đó vào chậu hoặc đổ xi măng làm đế cho cây đứng vững, sau đó tiến hành ghép lan. Trung bình ghép một chậu ít nhất từ 15 - 20 nhánh, nhiều nhất từ 20 - 40 nhánh, tùy kích cỡ của gốc cây mà ghép để có được những chậu lan hấp dẫn nhất.
Sự cần mẫn và đầy nhiệt huyết như vậy đã giúp ông Truyền ngày càng có nhiều kinh nghiệm thiết thực trong việc xây dựng Vườn sinh thái đẹp, tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình mỗi năm ông thu nhập gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi được gần 100 triệu đồng/năm, góp phần đưa kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Nói đến hoa lan, ông Truyền cho biết đây là một trong những mô hình thiết thực dễ thực hiện bởi không cần diện tích lớn như vườn cây ăn trái, hay đòi hỏi nhiều công lao động, mà chỉ cần vài trăm mét vuông là có thể thực hiện và tạo ra nguồn sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp yêu cầu chuyển đổi cây trồng cho nông thôn, góp phần xây dựng môi trường sinh thái hoa đa dạng, đáp ứng thị hiếu chung của người dân TP nói riêng và cả nước nói chung.