Sông nhỏ, phà to
Từ đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), xe cộ tấp nập ngược xuôi, theo con đường nhỏ ra bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức) sang Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Nơi đây vốn là bến đò ngang, nay những chiếc ghe nhỏ chở khách đã được thay thế bằng phà.
Đường xuống bến thưa người đi lại, khách ít nên chỉ có một chiếc phà hoạt động, số còn lại neo đậu ở hai đầu bến. Anh Nguyễn Hữu Đông (hành khách đi phà) cho biết: “Ngày trước, bến đò này phục vụ nhiều người dân quận Thủ Đức đi trung tâm thành phố. Từ khi đường Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, quốc lộ 13 mở rộng, nhiều người đã chọn đường bộ vì đi nhanh, thuận tiện và an toàn hơn. Nay khách đi phà chủ yếu là người dân địa phương sống gần bến phà. Phà lớn và nhiều nhưng người đi phà ngày một ít hơn”.
Phà lớn đã thay cho những chiếc ghe nhỏ trên bến An Phú Đông
Khi phà ra giữa sông, chiếc buýt đường sông tiến đến gần và nhiều sà lan chở cát, ghe chở hàng đều phải giảm tốc, chờ phà băng qua để tránh va chạm. Có thể thấy việc đưa phà to hoạt động trên sông nhỏ gây cản trở, bất tiện cho lưu thông đường thủy.
Len qua con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, lại đến bến phà An Phú Đông qua sông Vàm Thuật, nối phường 5 (quận Gò Vấp) với phường An Phú Đông (quận 12). Khi khách đã lên phà, tài công đánh lái cho phà rời bến, con phà xoay hướng, vừa trở mũi thì cũng là lúc phà đã gần chạm bờ bên kia, vì chiều ngang sông chưa đến 100m.
Từ ngày bến đò được nâng cấp thành bến phá, hành khách không còn phải chờ lâu. Việc đi lại thuận tiện hơn trước, nhưng lượng hành khách đi không nhiều. Khách sang sông ít, nên chỉ có một chiếc phà hoạt động, còn 4 chiếc khác neo ở hai đầu bến.
Số lượng phà nhiều, hành khách vắng, nguồn thu hạn chế, nên việc duy trì đội phà đã trở thành gánh nặng cho đơn vị quản lý. Giá vé quy định tại bến phà An Phú Đông đối với người đi xe máy là 2.000 đồng; đi xe máy 2 người giá vé 3.000 đồng; học sinh được miễn giảm.
Nhân viên bến phà cho biết, mỗi chuyến phà chỉ có chừng 15 - 20 hành khách, nhiều lúc số tiền vé thu được chưa bù đủ tiền dầu chạy máy và tiền trả công công nhân vận hành. Những chiếc phà neo ở bến không vận hành cũng phải duy tu, bảo dưỡng tốn kém nhiều chi phí.
Xây cầu vẫn căn cơ hơn
Việc Sở Giao thông Vận tải TPHCM nâng cấp các bến đò ngang ở khu vực nội thành thành bến phà đã giải quyết việc sang sông của người dân nhanh hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp “chữa cháy”, vì đang đi ngược lại xu thế chung.
Trong khi các địa phương tiến tới xóa bỏ bến đò ngang, bến phà, TPHCM lại mua các phà cũ về để tiếp tục đưa hành khách qua sông. Thực tế tại các bến phà hiện nay, số lượng phà tập trung nhiều, công suất lớn đã dẫn đến dư thừa và có nguy cơ gây cản trở, mất an toàn giao thông đường thủy.
Theo Sở Giao thông Vận tải, trong tương lai, các bến phà tại TPHCM đều được loại bỏ để xây dựng cầu mới. Bến phà Linh Đông sẽ không còn, mà thay vào đó là hệ thống 5 cầu vượt sông Sài Gòn, nối Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với quận 2 và quận Thủ Đức.
Còn bến phà An Phú Đông được thay bằng 2 chiếc cầu từ An Phú Đông bắc sang quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này các cây cầu vẫn còn nằm trong kế hoạch, chưa được khởi công xây dựng, vì thiếu kinh phí.
Ông Cung Quảng Hà, Chủ tịch phường An Phú Đông, cho biết: “Không có cầu, An Phú Đông như một ốc đảo, việc đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Là phường nằm gần trung tâm nhưng mọi người muốn đến đây phải đi đường vòng. Chính vì thế, xây dựng cầu thay cho bến đò ngang là nhu cầu hết sức cấp bách, không chỉ giải quyết việc đi lại của người dân, mà còn mở cánh cửa ra bên ngoài, thu hút mọi người đến đầu tư, làm ăn”.